Những câu chuyện xúc động về một nhân cách lớn
Những ngày đau buồn này, những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như suối nguồn tuôn chảy. Dưới đây là những câu chuyện về giáo dục của Tổng Bí thư với niềm xúc động trào dâng.
Thư gửi cô giáo cũ
Tháng 1/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc Tết cô giáo Đặng Thị Phúc. Bức thư đã được nhiều người biết đến. Mấy hôm nay, ảnh bức thư lại được lan toả rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Bức thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi chúc Tết cô giáo Đặng Thị Phúc. |
Bức thư giống với bất cứ bức thư nào của một học sinh lễ độ, trước sau với thầy cô giáo cũ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết thư trên tờ giấy trắng, không dùng giấy công vụ - loại giấy đã in sẵn tên người và chức vụ ở bên trái, phía trên. Bức thư gửi cô giáo là thể hiện mối quan hệ, tình cảm riêng giữa Tổng Bí thư và cô giáo của mình. Ngay cách chọn giấy để viết thư, Tổng Bí thư đã rất cẩn thận, khiêm nhường!
Sự khiêm nhường và đức độ thể hiện rất rõ ở nội dung thư. Bức thư không hé lộ chức tước - dù khi ấy, người viết đang là Tổng Bí thư của Đảng; chỉ là "Nguyễn Phú Trọng", "em", "học trò cũ của cô"!
Là nhà giáo, chúng tôi thật ấm lòng khi đọc bức thư thấy hai chữ Thầy Cô được viết hoa và 4 chữ cuối cùng "được Cô dạy bảo" ở phần tái bút!
Họp lớp
Các bạn học cấp 2 với Tổng Bí thư kể, năm họp lớp ở Nhà nổi Hồ Tây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đi xe ôm đến dự. Giám đốc Nhà nổi Hồ Tây thấy đồng chí Bí thư Thành ủy đến tưởng nhà hàng có chuyện gì mà người đứng đầu thành phố phải đến tận nơi. Khi gặp, đồng chí Nguyến Phú Trọng ôn tồn: "Không có chuyện gì đâu! Tôi đi họp lớp bình thường thôi!".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học khoá 8 (1963 - 1967), Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Lớp ông, gọi là lớp K8 có gần 100 sinh viên, đặc biệt, lớp do Giáo sư Hà Minh Đức chủ nhiệm cả 4 năm.
Giáo sư Hà Minh Đức xem lại tấm ảnh chụp cùng học trò cũ Nguyễn Phú Trọng. |
Năm 2012, kỷ niệm 45 năm ra trường, lớp K8 tổ chức họp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về họp lớp, quây quần bên thầy, bên bạn. Tôi có đọc một bài báo tường thuật về buổi họp lớp này. Bài báo kể về lời cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng hôm ấy, đại ý: Các thầy cho phép em, các bạn cho phép tôi để hết chức tước ngoài cửa; vào trong lớp này chỉ còn là thầy - trò, bầu bạn, như năm xưa thuở còn là sinh viên.
Năm 2022, lớp K8 lại họp. Giáo sư Hà Minh Đức kể về lần họp này. Lớp họp ở trụ sở Báo Nhân dân. Cả lớp ngồi dưới gốc cây đa tán xoè rộng cho mát. Thấy Tổng Bí thư đến, mọi người đứng dậy. Giáo sư Hà Minh Đức ngồi ghế đầu, cạnh gốc đa cũng đứng dậy. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng vội vàng đến đỡ và mời thầy ngồi. Ông ôm vai thầy, nhỏ nhẹ: "Thầy vẫn thế!". Rồi ông xin phép thầy đi bắt tay từng người. Có những người thử ông, nói to: "Có nhớ không?". Ông nhớ tên hết, không quên một ai! Ông không chỉ bắt tay mà còn vỗ vai thân mến với mọi người. Thầy Đức kể:
- Hôm ấy tôi nói với học sinh cũ rằng đồng chí Nguyễn Phú Trọng có được vị trí cao đẹp vì hội đủ 4 yếu tố: Trí tuệ, tài năng, bản lĩnh, đức độ.
Cũng theo thầy Đức: Thầy, bạn dành cho ông phát biểu, sau khi cảm ơn thầy, ông nói ngắn gọn:
- Trước sau tôi vẫn là học trò của các thầy, là bạn thân của các anh chị của lớp. Năm tháng trôi qua, như lời tôi phát biểu ở buổi gặp lần thứ nhất năm 2012 như đám mây sẽ qua đi, chỉ còn lại là tình bạn bè, tình bạn hữu.
Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng ngày hôm ấy là một ngày đẹp: Đẹp thời tiết, đẹp con người và đẹp tình người!
Với bạn học ở làng
Hiện còn không nhiều người ở làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) học cùng Tổng Bí thư từ nhỏ. Ai còn tuổi cũng đã ngoài 80 nhưng vẫn nhớ như in những kỷ niệm tình bạn giữa ông và họ.
Ông Ngô Bá Dục nói về kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Ông Ngô Bá Dục (sinh năm 1943), nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa kể:
- Tôi với ông Trọng học với nhau từ trường làng, từ lớp vỡ lòng đến trường cấp 2-3 Nguyễn Gia Thiều, bên Gia Lâm. Chúng tôi là con của các gia đình nghèo rớt mồng tơi. Học ở làng, 3 năm quây cót ở đình làm lớp. Sang huyện bạn học phải cuốc bộ hơn 10 cây số. Cuối tuần hai chúng tôi ở lại dạy bổ túc cho công nhân lấy tiền sinh hoạt. Tôi hay mặc đồ nâu nên mọi người gọi là anh "quần áo nâu", anh Trọng được gọi là anh "quần cá rô đớp" vì ống quần bị sờn, bị tướp. Chúng tôi thường bơi bãi giữa sông Hồng vớt củi về đun. Anh em chia nhường nhau từng bát cơm, củ khoai, bát nước rau muống luộc. Xa hay gần nhau, dù anh Trọng làm đến Tổng Bí thư, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi, động viên nhau. Năm 2011, mẹ tôi mất, anh Trọng về thắp hương chia buồn. Ông xuống xe, đi bộ từ đầu làng, vào tận nhà tôi.
Ông Vương Khắc Côn (sinh năm 1942) mắt rơm rớm nhớ lại: Năm tôi được làng trao cờ mừng tuổi 70, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về làng, đến tận nhà chúc mừng. Bà Thuỷ, cũng là bạn học cấp 1, tuổi 70, Tổng Bí thư đến chúc, không gặp. Thì ra bà ấy vẫn ra đồng làm. Trên đường về, biết ông Trọng đến chơi, thấy mình quần áo lấm láp, bà ngại, tránh vào nhà người quen. Tổng Bí thư nhác thấy vẫn cứ tươi cười bước đến bắt tay thăm hỏi, chúc mừng.
Ông Vương Khắc Tỉnh kể: Gặp bạn học người làng, ở họp lớp hay ở nhà riêng, giọng Tổng Bí thư luôn nhẹ nhàng, chậm rãi. Từ trẻ đã thế, gần đây cũng thế. Ông ấy bảo vì ông ấy là người nhỏ tuổi nhất!
Phạm Ngọc Lanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc (0)