Nhộn nhạo thị trường mỹ phẩm
BẮC GIANG - Thời gian gần đây, tình hình gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai ở nhiều nơi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng, sự chung tay của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Bày bán công khai
Khảo sát một số cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở tổ dân phố My Điền 1, My Điền 2, My Điền 3 thuộc phường Nếnh (thị xã Việt Yên) thấy bán nhiều mặt hàng làm đẹp như nước hoa, kem nền, kem chống nắng, nước tẩy trang, son môi, sữa rửa mặt…Chủ các cửa hàng giới thiệu mỹ phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đức, Nga, Pháp... Các thông tin về sản phẩm đều thể hiện bằng tiếng nước ngoài nhưng phần lớn không có tem, nhãn phụ tiếng Việt, tem chống hàng giả theo quy định về tem nhãn hàng hóa. Hỏi về nguồn gốc xuất xứ, người bán nói đây là hàng xách tay nên không có tem phụ (?!).
Hàng mỹ phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt được bày bán tại một cửa hàng ở tổ dân phố My Điền 1. |
Giá mỗi sản phẩm dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Đơn cử như nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng (Chanel, Dior, Hermes, Gucci…) cũng chỉ có giá từ 50 nghìn đồng (chai 30 ml) đến 400 nghìn đồng/chai 100 ml. Trong khi đó, giá trên website chính thức của các sản phẩm này là vài triệu đồng/chai có thể tích tương tự.
Từ đó, những món đồ này có thể là hàng lậu và khả năng cao là hàng nhái, hàng giả. Khách hàng của các sản phẩm này chủ yếu là những người có thu nhập thấp, khi mua hàng, họ thường quan tâm đến công dụng, giá tiền; ít người tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên “vô tình” tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm “rởm”.
Người tiêu dùng mua mỹ phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt tại một cửa hàng ở thị trấn Kép (Lạng Giang). |
Mỹ phẩm không có tem nhãn phụ, nghi là hàng giả, hàng nhái còn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng mỹ phẩm, tạp hóa, quầy thuốc tân dược ở các chợ, khu vực thuộc địa bàn TP Bắc Giang như: Khu chợ Thương, phường Trần Phú; chợ Hòa Yên, phường Thọ Xương; chợ Hà Vị, phường Trần Nguyên Hãn; đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ; đường Ngô Gia Tự, phường Ngô Quyền… Tình trạng này cũng diễn ra phố biến tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Lục Ngạn....
Liên quan đến nhóm mặt hàng mỹ phẩm, từ tháng 12/2022 đến nay, lực lượng chức năng kiểm tra 108 vụ; trong đó xử lý 92 vụ có hành vi kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt hơn 765 triệu đồng. |
Ngoài bán trực tiếp, mỹ phẩm còn được quảng cáo, rao bán trên môi trường mạng (facebook, zalo, tiktok, shopee…) với nhiều mẫu mã, chủng loại; được người bán khẳng định là hàng chính hãng, nhập khẩu chính ngạch, cam kết về chất lượng. Người mua như rơi vào “ma trận” vì “vàng thau lẫn lộn”, khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Đáng lo ngại là việc sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người dùng không chỉ tổn thất về kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thực tế, nhiều trường hợp đã bị dị ứng, nhiễm độc chì, nhiễm trùng mắt... do sử dụng các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Để ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, BCĐ 389 các huyện, thị xã, TP tăng cường quản lý địa bàn, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, trong đó có mỹ phẩm.
Sản phẩm nước hoa không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt bày bán tại cửa hàng Ola Xinh, phường Bích Động (thị xã Việt Yên). |
Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Liên quan đến nhóm mặt hàng mỹ phẩm, từ tháng 12/2022 đến nay, lực lượng chức năng kiểm tra 108 vụ; trong đó xử lý 92 vụ có hành vi kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt hơn 765 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Lâm Thị Y, thị trấn Kép (Lạng Giang. Ảnh: CTV. |
Điển hình như ngày đầu tháng 4 vừa qua, tại cao tốc Hà Nội-Bắc Giang (thuộc địa phận xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang), lực lượng chức năng phát hiện một xe ô tô vận chuyển hơn 1,5 nghìn đơn vị sản phẩm là sữa tắm, nước giặt, nước hoa giả mạo nhãn hiệu và gần 4,3 nghìn đơn vị sản phẩm là kem chống nắng, nước hoa nhập lậu. Hiện Cục Quản lý thị trường tỉnh đang thụ lý, giải quyết vụ việc theo quy định.
Trước đó, trong tháng 9/2023, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD, xã Việt Lập (Tân Yên) bị xử phạt hơn 195 triệu đồng về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và sản xuất mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu. Tháng 4 và tháng 9/2023, tổ công tác của Sở Y tế đã kiểm tra, xử phạt hành chính tổng số tiền 80 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại và phát triển Bảo Minh, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và Công ty TNHH Thương mại Thuần Hoa, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) do quảng cáo mỹ phẩm trên website, mạng xã hội khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, xử phạt nhiều hộ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở địa bàn xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng); thị trấn Chũ (Lục Ngạn); thị trấn Kép (Lạng Giang); phường Bích Động, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên)…
Lực lượng chức năng làm việc với đại diện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD. Ảnh: CTV. |
Tuy nhiên, ngày 21/4, khảo sát tại cửa hàng kinh doanh Ola Xinh ở phường Bích Động (thị xã Việt Yên); hộ kinh doanh Lâm Thị Y ở thị trấn Kép (Lạng Giang) - những nơi từng bị kiểm tra, xử phạt hành chính do có hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi vẫn thấy nhiều loại nước hoa, kem chống nắng, kem nền… không dán tem phụ bằng tiếng Việt; có dấu hiệu nhập lậu, không rõ xuất xứ được bày bán.
Trao đổi về nội dung này, ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm. Để đấu tranh lâu dài, hiệu quả, toàn ngành tiếp tục quan tâm phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường; có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, thời điểm; đẩy mạnh trinh sát nắm bắt các thủ đoạn để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm; nhất là hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên không gian mạng.
Nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện trên khâu lưu thông. Vì vậy thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp xử lý các trường hợp vận chuyển hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm để kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý theo quy định.
Các ngành thành viên BCĐ 389 chủ động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến người sản xuất, kinh doanh; công khai các vụ việc, đối tượng vi phạm, thủ đoạn của các đối tượng; phổ biến, hướng dẫn cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cần là người tiêu dùng thông thái. Khi có nhu cầu mua, sử dụng mỹ phẩm nên mua tại những địa chỉ uy tín để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của chính mình.
Bài, ảnh: Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)