Nhịp cầu chốn Ải xa
"Giá mà Sa Lý đừng xa/ Thì em ngày ấy chắc là của anh/ Giá mà đèo Váng đừng quành/ Tà Cang đừng dốc đâu thành xa nhau"… Vâng, cảm ơn những câu thơ của thi sĩ Tô Hoàn mà Sa Lý đâu xa dù 60 cây số dốc đèo.
![]() |
Thầy và trò Trường THCS Sa Lý (Lục Ngạn) trong giờ học. |
Ngược Tà Cang sang Sa Lý (Lục Ngạn). Vẫn hanh vàng dịu dàng nắng ấm. Vẫn mơ màng bảng lảng sương giăng. Trên nền xanh núi rừng giờ đây điểm lên những chấm son tươi từ những ngôi nhà mới xây, những công trình mới mở.
Một Sa Lý mênh mang, gần gũi từ những con người chân chất như củ khoai, thực thà như bông lúa. Đâu rồi những bản làng xưa như: Trạm, Đảng, Đồn, Mòng, Xé, Rãng, Cây Lâm giờ đây được giảm thiểu còn Đồn- Cây Lâm, Xé- Mòng, Rãng, Đảng, Trạm.
Nhớ lớp cán bộ thời xa vắng như các ông Lý Thòn, Hoàng Ngưỡng, Lý Đình Nguyên là nhớ về một lớp công bộc thời quá độ mà tiêu biểu là ông Lý Thòn nhà làng Xé dân tộc Sán Chí, cán bộ tiền khởi nghĩa, 33 năm làm Chủ tịch UBND xã mà chữ không biết ngoài chữ Thòn tên ông để ký.
Lớp người ấy đâu được học hành bằng cấp này nọ, đâu nhà cao cửa rộng, đâu tính toán cá nhân, đâu suy bì đãi ngộ... cho tới khi khuất núi vẫn căn nhà tường trình tuềnh toàng cùng tấm áo cũ kỹ bạc màu. Tre già măng mọc, lớp con cháu thế hệ 7X, 8X hôm nay đang ngày đêm hòa vào dòng chảy đời sống. Họ sinh ra và lớn lên trong một môi trường hoàn toàn mới mẻ, được thu nạp những kiến thức của thời buổi công nghệ bốn chấm không (4.0).
Điểm mặt những con số hôm nay thấy vui khi thành quả thu được dẫu khiêm tốn nhưng đều vượt so với cùng kỳ năm trước: Nông nghiệp 170%; vải thiều, cây có múi 170 - 300%; chăn nuôi 127- 136%... Diện tích đất rừng đan xen nhiều cây con giống mới như: Keo lai, vải lai, gà mía lai, bồ câu lai…
Thu hút hàng trăm hộ dân nghèo tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Hàng chục lớp tập huấn thu hút những con người khát vọng xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ nông dân đã đổi đời từ khai thác nhựa thông, nhựa sau sau. Hiệu quả kinh tế rừng đã trở thành động lực thúc đẩy mỗi người dân quan tâm khoanh nuôi.
Nguồn nước sạch từ lòng núi 975 đủ cung cấp tới nhiều hộ dân vùng phụ cận. Chất lượng đời sống ngày càng được nâng cao, chợ phiên 5 ngày một lượt thu hút số đông người từ Na Dương, Ái Quốc (Lạng Sơn) sang, từ Phong Vân, Phong Minh lên với nhiều mặt hàng nông lâm thổ sản bán mua trao đổi.
Một bức tranh sinh động đã và đang hiển hiện trên núi rừng Sa Lý. Bức tranh ấy dệt nên từ nhiều nguồn vốn: Trung ương, tỉnh, huyện và xã, tập trung kiến thiết tạo dựng hạ tầng phục vụ dân sinh như cứng hóa giao thông nông thôn, xây mới nhiều nhà văn hóa thôn, bản.
Tất cả vì một Sa Lý văn minh theo tầm nhìn không chỉ 2030, 2050 mà xa hơn nữa. Lãnh đạo xã Sa Lý xác định không chỉ lo cuộc sống hôm nay hạnh phúc mà cả những thế hệ tương lai phải được ăn ngon mặc đẹp, phải được học hành đầy đủ.
![]() |
Truyền dạy dân ca cho người dân Sa Lý. |
Vấn đề xây dựng nông thôn mới được quan tâm khi 19 tiêu chí đặt ra mới đạt 9 nhưng đã gợi mở triển vọng tương lai. Bước đầu có 15% dân hòa mạng Internet sử dụng wifi, điện thoại thông minh cài đặt 4G trở thành vật dụng bất ly thân với hầu hết bạn trẻ dù tận cùng lối vắng.
Cũng con người ấy, với tiện ích ấy, thế giới bỗng trở nên nhỏ hẹp trong lòng bàn tay. Anh em đồng tộc nơi xa nhớ nhau là bật Zalo, Facebook nở một nụ cười thân thiện dù tít tận Đắk Nông, Đắk Lắk, hay gần gặn như Kiên Lao, Lộc Bình xứ Lạng lại hồn nhiên hát cho nhau nghe đôi ba làn Cnắng cọô giao duyên là mệt mỏi ưu phiền tan biến hết.
Tôi thăm lại bản Cây Lâm theo dòng hồi tưởng. Với tôi, Cây Lâm không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhớ ngày trước mỗi lần lên Sa Lý là một lần chúng tôi nhắc câu cửa miệng: “Lên Sa Lý mà chưa đến Cây Lâm thì cũng như chưa thấy Sa Lý”, rồi quẳng chiếc xe đạp cà tàng ngoài trung tâm lững thững cuốc bộ chừng 2 giờ đồng hồ với những căn nhà cheo leo.
Bản của 150 con người thuộc 45 hộ dân lành Sán Chí thu mình bên núi. Lại rượu ngô vào đầu câu chuyện, lại cháo ngô lót dạ lúc đói lòng, lại bếp lửa hồng ấm sáng thâu đêm và đôi câu thơ lặng lẽ gieo vần: "Mặc đêm nay rét trời tê tái/ Lửa nhà trình ấp ủ một chồi xuân"…
Sau bao đổi thay từ những dự án của Chính phủ, Cây Lâm giờ dốc đã thoải, đường bê tông tận cùng bản vắng, ánh điện chan hòa thắp sáng thung sâu. Đây rồi, Hoàng A Hầu bạn xưa! A Hầu vẫn vượng chất núi rừng. Bạn bước ra từ làng bản Cây Lâm, sau mấy mươi năm tuổi tác lục tuần lại trở về làm người con của bản.
"Giàu thì nuôi ngỗng nuôi ngan/ Khó thì nuôi lấy một đàn con bê". Sở hữu trên ba chục đầu bò, A Hầu thấy lòng thanh thản. Chỉ tiếc ngày trước hoàn cảnh chung mà không được học hành đầy đủ như lớp trẻ bây giờ. Không thì chí ít cũng được như thằng con trai Hoàng Văn Vộn không những đã qua Cao đẳng Nông - Lâm lại còn cả liên thông đại học nữa.
Một bức tranh sinh động đã và đang hiển hiện trên núi rừng Sa Lý. Bức tranh ấy dệt nên từ nhiều nguồn vốn: Trung ương, tỉnh, huyện và xã, tập trung kiến thiết tạo dựng hạ tầng phục vụ dân sinh như cứng hóa giao thông nông thôn, xây mới nhiều nhà văn hóa thôn bản. Tất cả vì một Sa Lý văn minh theo tầm nhìn không chỉ 2030, 2050 mà xa hơn nữa. |
Trên những nẻo đường Sa Lý tôi cùng một người bạn ngược làng Đồn lên chốn Ải. Trước mênh mang trời đất vươn vai tận hưởng hương ngàn gió núi, vục hớp đầu nguồn suối vắng, hút tầm mắt lên mây trời bỗng chơi vơi vẳng về câu thơ nữ sĩ Ngân Giang: "Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá/ trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi"…
Ngược dòng lịch sử ngẫm về tổ tiên ta một thời giữ nước. Thuở Lý - Trần chặn Tống chống Nguyên - Mông. Ngước đỉnh 975 nhớ Hẻo Hương, Coọc Mò, Vực Vẳn, nhớ Mó Ngăn, Mó Cặm, Thuồng Luồng… Những địa danh tôi đã một lần thăm thẳm ngắm nhìn, một lần trải nghiệm thành nhớ mong. Giã biệt một năm đầy biến động rẽ sang cung đường tân xuân năm Sửu, hy vọng gặp điều tốt lành “khỏe như trâu mộng”.
![]() |
Cầu dân sinh sang khu Xé - Mòng, xã Sa Lý mới được xây dựng. |
Mùa xuân trên đường Sa Lý đang được trải nhựa vắt qua Phong Minh ra Cầu Trắng, Phong Vân. Bên cung đường ấy đã thấp thoáng “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (Nguyễn Du). Và bất chợt những nhịp cầu dân sinh bóng loáng. Bằng nhiều tỷ đồng của Chính phủ, những cây cầu tạo điểm nhấn trên diện mạo vùng cao Sa Lý như bức thông điệp về sự thay da đổi thịt chốn Ải xa.
Những cây cầu trang nhã tựa bóng hình sơn nữ bên bờ suối vắng tới cùng trời hùng vĩ 975. Cầu vượt suối sâu sang làng Xé, làng Mòng giúp cả ngàn con dân nơi đây quên nỗi lo cắt chia như trước đây mỗi mùa lũ dữ. Cầu nối đôi bờ hoa nở, nối lòng dân với ý Đảng. Và hơn thế, nhịp cầu kết sợi tình đời cho tôi lên đèo tìm lại dấu xưa.
Ghi chép của Ngô Minh Bắc
Ý kiến bạn đọc (0)