Tự hào quá khứ, vững bước tương lai
BẮC GIANG - Vọng mãi trong lòng ta những câu thơ khẳng định chủ quyền trên sông Như Nguyệt thời ông cha lập phòng tuyến đợi giặc phương Bắc đến: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). Độc lập, tự do luôn là khát vọng của dân tộc. Chính vì thế, Bác Hồ kính yêu từng viết “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và kêu gọi chiến sĩ đồng bào “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975) với rất nhiều hy sinh mất mát đau thương. Cứ nhìn các nghĩa trang liệt sĩ san sát bia mộ trải dài từ Bắc vào Nam ta sẽ thấy rõ điều đó. Không thể nói khác được, đấy là cái giá của chiến thắng, của độc lập, tự do và hòa bình thống nhất đất nước. Nên cả đất nước đã vỡ òa niềm vui khi 50 năm trước đây, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng Tư, lá cờ giải phóng phấp phới tung bay trên Dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Đấy là thời khắc lịch sử trọng đại, khi ta nghẹn ngào nghĩ tới chiến tranh đã kết thúc, cánh cửa hòa bình được mở ra và hai miền Nam - Bắc về trong một nhà.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN. |
Trong ngày lịch sử ấy, có một thi sĩ mang áo lính Cụ Hồ cùng đồng đội ăn bữa cơm chiều ở Dinh Độc Lập. Đấy là nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiều nhiệm kỳ. Tôi biết, anh cùng các chiến sĩ xe tăng, những người lính may mắn đi tới đích cuộc chiến ngây ngất trong niềm vui đại thắng và nhà thơ đã chọn thi ca để cất lên khúc khải hoàn. "Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập", đó là bài ca hòa bình. Hòa bình đâu là cái gì cao xa, nó là đây, trong màu cỏ xanh biếc làm mâm cho bữa cơm của lính, xanh như niềm mơ của con người, xanh như lớp lớp yêu thương gối vào nhau mải miết.
Hòa bình là đây trong sự quây quần quanh mâm cơm của các chiến binh dũng cảm, trong sự chan hòa đồng cảm của cảnh với người… Ở cái đích cuối cùng của cuộc chiến bi tráng kéo dài hai thập kỷ, bữa cơm cất lên giai điệu hòa bình, tựa như khúc khải hoàn không muốn réo rắt, vang dội mà chỉ mong thấm thía giang sơn, con người Việt. "Mâm xanh - sân cỏ xanh mải miết/ Quây quần đồng đội đến vui chung/ Hàng cây so đũa cùng ta đó/ Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng"... Để có bữa cơm như thế tại Dinh Độc Lập, những người lính phải đi qua hai mươi mốt năm, nói đúng hơn là dân tộc phải đi qua hai mươi mốt năm gian khổ, hy sinh không kể xiết. Và chặng cuối chính là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”.
"Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/ Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/ Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi". Thơ giản dị mà nói được nhiều điều quá. Hóa ra, cái khao khát tự do, cái mong mỏi hòa bình còn lớn hơn rất nhiều cái đợi chờ cơm no, áo ấm. Viết đến đây, bỗng dưng tôi nhớ tới câu thơ của Phạm Tiến Duật làm ra khi kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt: "Dù ăn muối suốt đời/ Còn hơn là có giặc". Thực ra, câu thơ ấy là lời của một bà mẹ miền Trung nói với tác giả trong một đêm chiến tranh.
50 năm rồi, đất nước đã đi qua những khúc quanh thời cuộc. Làm sao nói hết những thăng trầm, éo le, chông chênh trong nửa thế kỷ hậu chiến chúng ta đã trải qua. Rưng rưng nghĩ rằng, trong núi sông biển đảo trùng điệp mênh mang kia còn bao xương cốt đồng chí, đồng bào; trong lòng không ít người vẫn lưu giữ một cuộc chiến khôn nguôi. Nỗi ám ảnh chiến tranh là có thật cũng như hậu quả của nó vẫn phơi bày ra đó đây trong mỗi làng quê, khu phố xa gần. Không ai ngăn cản niềm tự hào chiến thắng vì đó cũng là cách ghi nhận sự dâng hiến cao cả của cha anh nhưng tôi nghĩ rằng lớn hơn chiến thắng chính là chọn sự hòa hợp, hòa giải dân tộc làm ứng xử nhân văn xuyên suốt.
![]() |
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. |
Chúng ta cầm súng, chấp nhận sự gian khổ hy sinh cũng vì cái đó. Đúng như Bác Hồ đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Từ lời của Bác, chúng ta đang nghĩ sâu hơn về những giá trị mang tầm vóc dân tộc và nhân loại của chiến thắng huyền thoại. Chúng ta nối lại những chia cắt, những phân biệt, những “giới tuyến” lòng người để người Việt Nam hòa vào người Việt Nam, để đất nước có một hiện tại và tương lai thực sự bao dung, thấu hiểu, cùng chung ý chí dựng xây, bảo vệ giang sơn ông cha để lại giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Nếu không thực hiện được điều đó thì quá khứ có vẻ vang đến mấy, chiến thắng có lừng lẫy tới bao nhiêu cũng trở nên vô nghĩa.
Tầm nghĩ và cách làm ra sao cũng đều hướng tới tư tưởng yêu nước, thương dân. Đấy là ngọn cờ đại nghĩa để tập hợp muôn người. Dân tộc chiến thắng các kẻ thù xâm lược vốn là những “kẻ khổng lồ” đều nhờ vào ý chí và sức mạnh Nhân dân. Ý chí và sức mạnh Nhân dân được nhân lên gấp bội khi có Đảng lãnh đạo. Khi Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo tiên phong tập hợp được những người con ưu tú của dân tộc đủ đức, đủ tài và Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ từng nói thì đó mặc nhiên là sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Pháp rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ là những minh chứng hùng hồn cho điều đó. Để có những Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng ta phải vươn mình mạnh mẽ để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả. Biết lãnh đạo toàn diện và trực tiếp nhưng cũng phải biết làm người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.
Dân tộc sẽ ra sao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình này ? Cuộc cách mạng nào cũng cần có nền tảng lý luận đúng đắn dắt dẫn; chuyển động nào cũng cần người cầm lái bản lĩnh và sáng suốt; hiện tại và tương lai nào cũng không nên bỏ sót hay xem nhẹ sự kế thừa. Hồn thiêng sông núi như đã tiếp sức truyền dẫn năng lượng hào hùng cho dân tộc trong chặng đường mới.
Khi ta thấy trong mình đang có một quá khứ bi tráng rất đáng tự hào được cộng hưởng vào tinh thần của hiện tại là lúc nội lực được nhân lên. Mới là sự khởi đầu thôi, đích đến của kỷ nguyên mới còn xa nhưng tôi nghĩ dân tộc ta đang tràn đầy niềm tin và hy vọng. Không bao giờ là sự hy vọng hão huyền mà đó là cuộc sống đang cuồn cuộn chảy về phía tương lai tươi sáng của đất nước. Vẫn phải thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa như 50 năm trước để một ngày bằng hai mươi năm, mỗi năm bằng một thập kỷ diệu kỳ với khí thế của Đại thắng mùa Xuân.
Ý kiến bạn đọc (0)