Nhiều chiêu trò tinh vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Qua phân loại, đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho thấy, các đối tượng thường lợi dụng mối quan hệ thân quen, gây dựng lòng tin để lừa xin việc làm, chạy chức, chạy án, vay vốn, kêu gọi đầu tư vào các quỹ, dự án, kinh doanh bất động sản với mức lãi suất cao.
Công an phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) tuyên truyền về pháp luật, các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm cho công dân trên địa bàn. |
Ngày 11/11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Phú (SN 1982) ở thôn Trong, xã Hồng Giang khi đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Vy Văn C ở xã Sơn Hải. Ông C có con trai đang chấp hành án phạt tù tại Trại Tạm giam Công an tỉnh. Khi Phú nói với ông C nếu muốn con tiếp tục chấp hành án phạt tù tại đây (không phải đi tỉnh khác) thì đưa tiền để đối tượng lo lót.
Khi đối tượng đang thực hiện hành vi nhận tiền của ông C (4 triệu đồng) thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn bắt quả tang. Trước đó, Phú đã nhiều lần nhận của ông C với tổng số tiền 31,8 triệu đồng. Được biết, đối tượng từng có 1 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, không có công ăn việc làm ổn định.
Tính đến tháng 9/2021, Công an tỉnh điều tra, làm rõ 51 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thiệt hại tài sản trị giá hơn 30 tỷ đồng. Riêng Phòng Cảnh sát hình sự làm rõ 16 vụ . |
Do tác động của dịch Covid-19, tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ 4 vụ, 6 đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nổi lên là các thủ đoạn như: Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Không những vậy, các đối tượng còn giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến vụ án, vụ việc đang giải quyết. Sau đó chúng đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại để đăng nhập rồi chuyển tiền vào các tài khoản khác để chiếm đoạt. Một số đối tượng chiếm quyền quản trị hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người thân quen rồi nhắn tin, lừa gạt vay tiền của chủ tài khoản.
Chị Nguyễn Thị T ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) trình bày với Cơ quan công an về việc ngày 17/11/2021, chị nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản facebook có sử dụng tên và hình ảnh giống với tên và hình ảnh đại diện tài khoản facebook của người thân.
Người này hỏi vay tiền và gọi điện hình ảnh (chat video messenger) trong khoảng 3 giây, sau đó lấy lý do máy điện thoại mất sóng và tắt cuộc gọi. Chị T nhìn qua cuộc gọi hình ảnh thấy đúng là hình ảnh của người thân nên tin tưởng chuyển tiền và mắc bẫy. Sau khi nhận tiền, đối tượng cắt liên lạc, xóa tài khoản.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố bị can Nguyễn Công Đức (SN 1990) ở phố Bằng Nguộn, xã An Hà (Lạng Giang) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, từ tháng 2/2021, Đức gọi điện đến các đại lý bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi hỏi mua các mã thẻ Zing mệnh giá 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng.
Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản zalo kết bạn với tài khoản đại lý để trao đổi, thống nhất số thẻ, đề nghị đại lý cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Để thực hiện hành vi phạm tội, Đức dùng điện thoại nhắn tin với nội dung số tiền đã được chuyển đến tài khoản ngân hàng của đại lý dựa theo dạng tin nhắn SMS thông báo thay đổi số dư.
Khi nhắn tin chuyển tiền xong, hắn gọi điện liên tục yêu cầu đại lý chuyển mã thẻ với lý do chỉ còn ít thời gian để nạp sự kiện trong trò chơi. Khi nhận được các mã thẻ, Đức bán cho các đại lý thu mua mã thẻ khác để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Đức đã sử dụng nhiều tài khoản zalo đăng ký bằng hơn 10 đầu số điện thoại để thực hiện hành vi phạm tội.
Qua những vụ việc trên có thể nhận diện được đối tượng lừa đảo rất da dạng, sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi. "Con mồi" chúng nhắm đến là những người chủ quan, lơ là trong việc bảo mật tài khoản, hám lợi nhuận. Toàn bộ số tiền sau khi lừa đảo được các đối tượng dùng để chi tiêu nên khi bị cơ quan chức năng bắt giữ rất khó thu hồi đầy đủ cho bị hại.
Trung tá Hoàng Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của đối tượng xấu, nhất là huy động vốn và cho hưởng lãi suất cao. Do đó, trước khi đầu tư, kinh doanh cần tìm hiểu thật kỹ thông tin các dự án, đơn vị, công ty muốn đầu tư và chỉ nên đầu tư khi dự án, công ty được cấp phép hoạt động, kể cả là bất động sản.
Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhất là số máy có đầu số nước ngoài. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không mua, bán, cho mượn chứng minh nhân dân, căn cước công dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.
Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn. Hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch trực tuyến cần hạn chế số tiền dư quá lớn.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)