Nhiều bất cập trong thi hành án hình sự
Phối hợp lỏng lẻo
Giai đoạn 2020 -2022, TAND hai cấp trong tỉnh đã xét xử và ban hành hơn 3 nghìn bản án với gần 5,6 nghìn người bị kết án; ra quyết định thi hành hơn 5,5 nghìn người bị kết án đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 100%.
Cơ quan THAHS đã tiếp nhận các bản án, quyết định thi hành án của tòa án và triệu tập tổng số hơn 2,4 nghìn bị án, trong đó tử hình 13 trường hợp, tù có thời hạn 282 trường hợp, án treo hơn 2 nghìn trường hợp...
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh nắm bắt tình hình thi hành án hình sự tại xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). |
Đối với hoạt động THAHS tại cộng đồng thực tế nảy sinh nhiều bất cập ảnh hưởng đến kết quả công tác. Phổ biến là tình trạng đối tượng thuộc diện phải thi hành án không nắm được các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của bản thân.
Đoàn giám sát làm việc ở nhiều địa phương, khi hỏi các đối tượng hầu hết đều không biết những quy định pháp luật liên quan đến chính họ. Anh L.V.C (SN 1981) ở thôn Miễu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) bị phạt tù cho hưởng án treo 9 tháng vì tội đánh bạc.
Dù thuộc diện được rút ngắn thời gian thử thách (dịp Quốc khánh 2/9/2022) nhưng anh không biết được rút ngắn bao nhiêu tháng. Anh C cho biết có nộp bản tự kiểm điểm định kỳ hằng tháng theo quy định nhưng đó là do người thân viết thay nên anh cũng không rõ nội dung.
Một vấn đề khác là công tác phối hợp giữa các cơ quan THAHS với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và UBND cấp huyện, xã trong THAHS và tái hòa nhập cộng đồng còn lỏng lẻo.
Trung tá Vũ Xuân Tuân, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên phản ánh: “Chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác THAHS, cho rằng đó là trách nhiệm riêng của lực lượng công an nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên. Một số xã, thị trấn thiếu quan tâm quản lý, giáo dục nhất là giúp đỡ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng”.
Điều này còn thể hiện ở việc thực hiện quy định về nhận xét, phân loại của UBND cấp xã đối với người đang chấp hành án tại cộng đồng còn mang tính hình thức, các bản tự nhận xét của người chấp hành án đều phô tô, có nội dung giống nhau, chung chung, sơ sài; bản nhận xét của người được phân công giám sát, giáo dục chưa phản ánh đúng quá trình chấp hành của đối tượng là có thực sự cố gắng hay không.
Ví như trường hợp H.V.V ở thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) do phạm tội đánh bạc nên bị tuyên án 15 tháng tù treo, thời gian thử thách 30 tháng, phạt bổ sung 10 triệu đồng, án phí 200 nghìn đồng. Các bản nhận xét từ tháng 2 đến tháng 11/2021 đều xếp loại trung bình và ghi rõ chưa thực hiện hình phạt bổ sung.
Nhưng các bản nhận xét từ tháng 12/2021 đến 5/2022, dù đối tượng vẫn chưa thực hiện hình phạt bổ sung lại được xếp loại khá, trong khi các nội dung khác trong bản nhận xét hoàn toàn giống nhau giữa các tháng, không thể hiện được ý thức chấp hành của đối tượng.
Trong quá trình giám sát, cá biệt còn phát hiện có một số đối tượng đi khỏi nơi cư trú không báo cáo (tại TP Bắc Giang, huyện Lục Ngạn); gia đình thiếu sự hợp tác với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát, giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng... Nhiều trường hợp thiếu ý chí, nghị lực, lười lao động nên dễ dẫn đến tiếp tục vi phạm pháp luật.
Phòng ngừa tái phạm
Trại tạm giam Công an tỉnh có tổng số hơn 380 phạm nhân. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với phạm nhân cơ bản bảo đảm theo quy định pháp luật; quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, dân chủ.
Phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh trong giờ lao động. |
Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân chưa đúng quy định; hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề chưa được quan tâm đúng mức. Còn xảy ra trường hợp đối tượng chấp hành án phạt tù vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Có 19 lượt phạm nhân bị xử lý kỷ luật (khiển trách 7, cảnh cáo 3, giam tại buồng kỷ luật 9).
Chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc chấp hành quy định, kịp thời phát hiện sớm và xử lý vi phạm, chấn chỉnh tồn tại. Lực lượng công an rà soát, lập hồ sơ, quản lý chặt các đối tượng đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương... |
Theo ông Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác THAHS cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật và văn bản liên quan.
Không chỉ người dân, các đối tượng phải thi hành án mà lực lượng thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chính quyền cơ sở, cơ quan thi hành án cũng phải thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ.
Chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc chấp hành quy định, kịp thời phát hiện sớm và xử lý vi phạm, chấn chỉnh tồn tại. Lực lượng công an rà soát, lập hồ sơ, quản lý chặt các đối tượng đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương.
Đề cao phòng ngừa hành vi tái phạm, bảo đảm an ninh trật tự; tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Trại tạm giam Công an tỉnh làm tốt việc tiếp nhận phạm nhân, phân loại chấp hành hình phạt tù, quản lý, giáo dục; thực hiện các chế độ, chính sách đối với phạm nhân đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)