Nhân Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS: Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu lây nhiễm
Thêm 76 trường hợp nhiễm mới
Giữa tháng 11/2023, anh Giáp Văn N (SN 1986), xã Việt Tiến (Việt Yên) đến Trung tâm Y tế huyện Việt Yên khám, điều trị bệnh sốt phát ban. Nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như: Sốt, nốt phát ban có màu hồng kèm theo mụn nước, các bác sĩ đưa vào phòng theo dõi đặc biệt. Sau đó, bệnh nhân được giới thiệu đến khám ở tuyến trên. Qua xét nghiệm, ngày 21/11, Phòng khám đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) kết luận anh N dương tính với virus HIV. Được biết, anh N đang làm công nhân và trước đó có quan hệ tình dục đồng tính (TDĐT). Tương tự, anh Nguyễn Đình K (SN 1997), phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cũng có quan hệ TDĐT, qua kiểm tra sức khỏe, bác sĩ phát hiện anh bị nhiễm HIV.
Cán bộ Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền về phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS đến công nhân. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiển, Phó trưởng Phòng khám đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Trước đây, bệnh nhân nhiễm HIV chủ yếu lây qua quan hệ tình dục nam - nữ, sử dụng chung bơm kim tiêm, lây từ mẹ sang con. Vậy nhưng gần đây, tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ TDĐT có xu hướng tăng, chiếm khoảng 50% số ca mắc mới”.
Năm 2023, toàn tỉnh có thêm 76 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm trên địa bàn lên 3.677 ca. Trong đó, số người nhiễm còn sống, đang được quản lý là 2.352 trường hợp. |
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau ca nhiễm đầu tiên vào tháng 12/1996, số trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tăng hằng năm. Chỉ riêng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 76 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm trên địa bàn lên 3.677 người. Trong đó, số người nhiễm còn sống, đang được quản lý là 2.352 trường hợp; còn lại đã tử vong. Đáng chú ý, trong những ca nhiễm mới, có nhiều trường hợp đã lớn tuổi.
Trường hợp bà Hoàng Thị M (SN 1958), trú tại xã Tân Trung (Tân Yên) là một ví dụ. Theo lời bà M, do chồng mất sớm, bà có quan hệ tình dục với một người đàn ông làm nghề chạy xe tải trên địa bàn. Giữa năm nay, khi biết thông tin bạn tình bị nhiễm HIV, bà đến Trung tâm Y tế huyện Tân Yên kiểm tra, phát hiện bản thân bị nhiễm. Hay như trường hợp anh Nguyễn Hải K (SN 1974), trú tại xã Liên Chung (Tân Yên) biết bị nhiễm HIV khi vợ anh tử vong do căn bệnh này. “Lúc đầu, khi biết mình bị nhiễm HIV, tôi chán nản và có tâm lý buông xuôi. Được gia đình động viên, từ tháng 4/2023, tôi bắt đầu uống thuốc ARV. Hiện tôi không còn bị sốt, sức khoẻ ổn định và đã đi làm trở lại”, anh K cho biết.
Đổi mới truyền thông, dự phòng lây nhiễm
HIV/AIDS từng được coi là “đại dịch”, là bệnh thế kỷ khi số người nhiễm và tử vong trên thế giới cao. Tại Bắc Giang, từ năm 1996 đến nay, có 1.325 người tử vong do nhiễm HIV, trung bình gần 50 người tử vong/năm. Để đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/8/2020 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg, giảm số người nhiễm, người tử vong, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương mở rộng, đổi mới hoạt động truyền thông, dự phòng lây nhiễm.
Đến nay, toàn tỉnh có 5 cơ sở xét nghiệm khẳng định, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn. Nhờ được điều trị theo các chương trình, dự án và quỹ bảo hiểm y tế, nhiều bệnh nhân vơi bớt khó khăn, tuổi thọ kéo dài; tỷ lệ mắc mới và tử vong do HIV giảm.
Chị Nguyễn Thị H (SN 1984), xã Đồng Lạc (Yên Thế) cho biết: “Tháng 6/2020, chồng tôi tử vong do bị nhiễm HIV nên tôi đi kiểm tra và phát hiện mình cũng bị nhiễm. Được hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ, tôi uống thuốc đều, tải lượng virus giảm. Năm 2021, tôi tái hôn, sinh thêm em bé an toàn”.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực song qua đánh giá, nguy cơ lây lan và phát sinh những ca nhiễm mới vẫn hiện hữu. Nguyên nhân là do nhiều người còn tâm lý e ngại, sợ bị kỳ thị nên không chủ động đi kiểm tra sức khỏe để thực hiện các xét nghiệm tầm soát. Một số trường hợp, dù đã được cấp phát thuốc điều trị song không duy trì đều đặn theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Để giảm người nhiễm mới, trong Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay (tháng 12), Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh tăng cường truyền thông; huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng, chú trọng dự phòng lây nhiễm và phát hiện, điều trị sớm. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai ngay các hoạt động tư vấn, hỗ trợ điều trị.
Tại huyện Việt Yên - địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung số lượng lớn lao động trẻ, ngay trong ngày 1/12/2023, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn về nguy cơ lây nhiễm cho công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Châu. Với huyện Tân Yên, từ giữa tháng 11/2023, Trung tâm Y tế huyện rà soát, tổ chức tư vấn đến 100% đối tượng nhiễm HIV trên địa bàn.
Trong tháng 12/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền chuyên đề đến những đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao như quan hệ TDĐT, công nhân, đồng thời rà soát, điều trị dự phòng cho những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm cao, phấn đấu năm 2024 đưa vào điều trị dự phòng cho hơn 600 trường hợp (tăng gấp đôi so với năm 2023).
Bác sĩ Trần Xuân Thanh, Trưởng Khoa HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) cho biết: “Cùng với nỗ lực của cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương, người dân cần chủ động trang bị kiến thức, chủ động dự phòng lây nhiễm, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Với các trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao như quan hệ TDĐT, gái mại dâm, nghiện ma tuý cần duy trì khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm sớm để nắm được tình trạng sức khỏe, có phương án điều trị kịp thời khi mắc bệnh”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)