Nhân 110 năm vụ Hà thành đầu độc 27-6 (1908-2018): Bài ca khí phách anh hùng
Những người tham gia vụ đầu độc bị đưa ra khỏi nhà tù đi đến nơi hành quyết. |
Ngay từ những ngày chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương tại Quân thứ Song Yên (Yên Dũng - Yên Thế) trong những năm 1885-1894, Hoàng Hoa Thám đã rất chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động, lôi kéo các binh lính người Việt đang cầm súng đứng trong hàng ngũ quân đội viễn chinh Pháp chạy sang hàng ngũ nghĩa quân, trở về với chính nghĩa và nhân dân.
Trong quan niệm của người thủ lĩnh phong trào Yên Thế, dù bị bắt buộc phải đứng về phía kẻ thù nhưng trong sâu thẳm tâm can, những người lính ấy vẫn giàu lòng tự tôn dân tộc, vẫn gắn bó mật thiết với tập tục của cha ông. Đưa được những binh sĩ Việt ra khỏi ảnh hưởng của người Pháp không chỉ bảo tồn cho nòi giống một thế hệ thanh niên trai tráng tràn đầy sức sống mà còn tăng cường cho lực lượng cứu nước lớp người thuần thục phương pháp tác chiến tiên tiến của phương Tây, nắm vững kỹ năng sử dụng các loại vũ khí hiện đại.
Sau khi Đề Nắm hy sinh, Bá Phức hưu chiến, Quân thứ Song Yên chấm dứt sứ mệnh Cần Vương. Lúc này, Hoàng Hoa Thám chính thức trở thành lãnh tụ tối cao của nhân dân Yên Thế, tiếp tục giương cao ngọn cờ chống Pháp nhưng do đơn độc và chưa tìm được đường lối, phương lược đấu tranh thích hợp nên buộc phải chấp nhận giảng hòa.
Sau nhiều năm lao tâm khổ tứ, từ năm 1905, Đề Thám bắt đầu quán triệt và kiên trì tư tưởng bạo lực để khôi phục và chỉ đạo cuộc đấu tranh chống ách ngoại xâm diễn ra khắp cả khu vực nông thôn rừng núi và đồng bằng thành thị. Ông đã cử Hoàng Điển Ân - nhà nho và mưu sĩ lão luyện, từng tiếp cận tân thư và sách báo mới từ Trung Quốc, Nhật Bản chuyển đến Phồn Xương, phụ trách việc xây dựng Đảng Nghĩa Hưng tại Hà Nội và các hội phường tại các tỉnh.
Thông qua những hoạt động tích cực của Hoàng Điển Ân và cộng sự, Đảng Nghĩa Hưng đã có hình hài ở Hà Nội, thu hút nhiều binh sĩ người Việt, công chức, thợ thuyền. Đỗ Khắc Nhã, còn gọi là Đồ Đảm, quê làng Tạ Xá, tổng Lương Xá, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội)-người phụ trách phát triển mạng lưới thành viên của Đảng Nghĩa Hưng tại bản cung khai ngày 12-11-1908 (Hồ sơ số 76414 - RT) khẳng định:
"Ngày 29-5 (tức 27-6-1908) tôi đã đi gặp Đội Hổ, gặp ở đó Cai Ba Nhân và một người nữa cắt tóc ngắn do Đề Thám cử đến để tham gia và tấn công Hà Nội. Hai người của Đề Thám này mang theo 4 mét vải lụa dùng để may cờ và những lá cờ này phải được chính các binh lính cắm ở 4 góc thành Hà Nội. Điển Ân cũng có mặt tại Hà Nội và trú tại nhà Lang Seo. Cai Ba Nhân và Tú Con, những thủ hạ thân cận và trung thành của Đề Thám cũng đã từng đến tại nhà Lang Seo ở phố Hàng Buồm mỗi khi họ mang theo thư tín của Đề Thám gửi quan Toàn quyền và ngài Thống sứ.
Tôi khẳng định rằng Đề Thám thực sự là tác giả của phong trào cách mạng này. Mong muốn của ông ấy là đánh đuổi người Pháp để tuyên bố Kỳ ngoại hầu là Hoàng đế An Nam. Điều này được khẳng định qua việc các thư từ được phân phát cho việc nổi dậy đều với danh nghĩa tên của Hoàng tử".
Thím Hồng - trong hồi ký “Bốn mươi năm trôi sông lạc chợ”, đã kể lại những ngày làm chủ quán cơm tại Cửa Nam, nơi các nghĩa sĩ thường gặp gỡ các binh sĩ yêu nước như sau: "Các ông Đội Bình, Cốc, Nhân... chủ mưu nội ứng. Âm mưu này đã có từ cuối năm 1907 và đã bị hoãn tới hai lần, do lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế (lúc này đang hợp tác với Pháp) thực thi.
Mặc dù đang trong thời kỳ tạm thời đình chiến với giặc Pháp nhưng lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám vẫn bí mật liên lạc với một số sĩ phu chủ trương bạo động để trù tính một cuộc vùng dậy khác mà đối tượng vận động là binh lính Việt Nam trong hàng ngũ Pháp...Hà Nội là nơi các sĩ phu nhằm vào trước nhất. Tại phố Cửa Nam có một cửa hàng vừa bán cơm vừa cho trọ, khách hàng ra vào tấp nập, đa số là binh lính, cai đội, bồi bếp. Ngoài ra còn có một số khách thường ở khắp nơi đến. Tất nhiên các thầy tướng số không thể không chiếu cố đến nơi này, và qua những cuộc bói toán, đi lại các thầy tướng số đã trở nên thân mật với một số binh lính Việt Nam thuộc Pháo đội công vụ Trung đoàn 4 pháo binh như: Đội Bình, Đội Nhân, Đội Cốc, Cai Nga, Bếp Xuân, Bếp Nhiếp...Rồi từ chỗ thân mật, các thầy tướng số chuyển sang mục đích tuyên truyền.
Bên cạnh việc khêu gợi lòng yêu nước thương nòi, các thầy tướng số còn làm cho họ thấy rõ sự đối xử tàn tệ của bọn sĩ quan Pháp đối với họ, sự chênh lệch quá đáng về quyền lợi giữa binh lính Pháp đồng cấp với binh lính Việt Nam... Vì người uất hận chồng chất từ lâu, nay có người nhắc tới nên đã có những hiệu quả lạ lùng và việc gia nhập đảng không còn bao xa nữa. Sau khi tổ chức xong các nhân mối nội ứng, nhiều cuộc họp bàn bí mật được tổ chức tại nhà thầy tướng Nguyễn Văn Phúc tức Lang Seo ở phố Hàng Buồm và một kế hoạch tổng quát sau đây được vạch ra..." .
Tất cả những người trong cuộc đều thừa nhận Hà Thành đầu độc chính là cánh tay nối dài của khởi nghĩa Yên Thế, là đoạn mở đầu và những công việc vừa được xúc tiến đã phải dừng lại của cuộc Hà Thành khởi nghĩa. Trong “Bia tưởng niệm các nghĩa sĩ hy sinh trong vụ Hà Thành đầu độc” năm 1908 có viết "... Tháng 6 năm 1908, tất cả đồng lòng quyết tâm khởi sự. Người lo hạ độc lính Pháp, kẻ đi cướp súng nã đạn làm hiệu cho các cánh Trung châu ứng nghĩa đạo, Hoành sơn hội cùng với nghĩa quân Yên Thế bốn mặt công thành. Nhóm tiên phong đánh vào trại giặc.
Tiếc thay! Kế sách sớm lộ. Thấy vài trăm lính bị mê man, khắp thành quân thù báo động, khóa nòng đại bác, chốt giữ kho đạn, chặn cánh tiên phong, bắt giam đầu bếp, cấm trại pháo thủ Bắc Kỳ, lùng bắt yếu nhân chặn mọi ngả đường trọng yếu.
Cuộc Hà Thành khởi nghĩa chuyển thành vụ Hà Thành đầu độc ngay trong chốc lát. Tuy chỉ bị chấn động nhất thời nhưng thực dân Pháp ra tay điên cuồng khủng bố, tống giam hàng trăm người yêu nước vào trong ngục tối, đưa lên đoạn đầu đài tất cả yếu nhân.
Dưới lưỡi đao oan nghiệt của kẻ thù, các nho sĩ Đỗ Đảm (Đỗ Khắc Nhã), Đồ Vinh (Đỗ Quang Vinh); các pháo thủ Bắc Kỳ Đội Bình (Nguyễn Trị Bình), Đội Cốc (Nguyễn Văn Cốc - tức Dương Bê), Đội Nhân (Đặng Đình Nhân), Cai Nga (Nguyễn Đắc A), Đội Hổ (Nguyễn Viết Hanh), Chánh Song (Trần Văn Song), Cai Tôn (Trần Văn Tôn); những đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Truyền), Bếp Xuân (Vũ Văn Xuân); thầy tướng Lang Seo (Nguyễn Văn Phúc); thợ thủ công Cai Thậm (Nguyễn Xuân Ba) vẫn ngẩng cao đầu, thung dung tự tại".
Hà Thành đầu độc thất bại. Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân trở lại Yên Thế và Vĩnh Yên, Phúc Yên. Trung châu ứng nghĩa đạo tan rã nhưng dư âm của nó vẫn kịp tỏa lan đến Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Đông... với các cuộc chuẩn bị đầu độc binh lính Pháp, dán cáo thị trên đường phố, phá đường xe lửa, tập kết lực lượng tấn công vào nhà lao. Giới cầm quyền Pháp thực sự hốt hoảng, được ghi lại trong tờ Tương lai xứ Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin, N0 4016): "Như người ta đã thấy và dễ hiểu thôi vì những tên phu bình thường hoặc một vài viên cai đội người bản xứ không thể nào phối hợp một lực lượng khởi nghĩa lớn như thế. Người ta cảm thấy đằng sau tất cả cái đám đông khốn nạn này có một bộ óc đứng hàng đầu của chúng đã không úp mở cho thấy ý định của chúng là đã nhất định tiến hành một trận sống mái trong một thời gian rất gần đây”.
Trong những chuyên khảo nghiên cứu về Hà Thành đầu độc, người đọc có cảm giác vụ việc trên xảy ra như một hiện tượng đơn lẻ, nằm ngoài phạm trù của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tuy nhiên, thực tế Klobukowsky ngay sau khi mới sang làm Toàn quyền Đông Dương đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “... Để bổ khuyết cho sự thiếu phương tiện tấn công, Đề Thám đã cho tiến hành đầu độc các binh sĩ Pháp, gửi thư khích lệ, cử Điển Ân và Hai Cán về Hà Nội tiến hành một chiến dịch cách mạng có mục đích đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam. Duy chỉ có Đề Thám là giữ nguyên vòng hào quang hùng cường và không có gì cho phép ta nghĩ rằng lão ta từ bỏ điều mơ ước dùng bạo lực đuổi chúng ta ra khỏi xứ Bắc Kỳ. Do đó phải vĩnh viễn đuổi Đề Thám ra khỏi Phồn Xương”.
Cảm phục trước sự hy sinh của các nghĩa liệt, tháng 10-1909 Phan Bội Châu đã hoàn thành tác phẩm “Truyện các liệt sĩ Hà Thành”. Mấy năm sau, từ những câu chuyện do Phan Bội Châu kể lại được dân gian chuyển thành bài thơ lục bát “Hà Thành đầu độc 1908” (nay ta quen gọi là “Bài ca về vụ Hà Thành đầu độc”, “Hà Thành đầu độc ca”).
Đã 110 năm trôi qua, những người làm nên Hà Thành đầu độc thực sự xứng danh nòi giống Tiên Rồng/Rửa hồn nghĩa liệt, đền công nước nhà.
TS Khổng Đức Thiêm
Ý kiến bạn đọc (0)