Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh
Chi hội phụ nữ thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) hướng dẫn chị em tự xử lý rác hữu cơ. |
Chỉ vào mấy luống rau muống xanh mơn mởn, cây bưởi sai trĩu quả, bà Nguyễn Thị Tươi, thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) phấn khởi: “Rau, quả tốt như thế là nhờ có lượng phân bón hữu cơ được ủ từ rác thải ngay trong vườn nhà. Hằng ngày, tôi chủ động thu gom, phân loại và xử lý. Các loại rác như lá, gốc rau, bã chè, vỏ chuối... gom vào hố, rắc vôi bột, chế phẩm vi sinh. Việc làm này vừa bảo vệ môi trường vừa làm tăng độ phì nhiêu cho đất”. Thôn Trằm là một trong 8 thôn đầu tiên ở xã Nghĩa Hưng triển khai xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh”. Người dân đều nhận thấy lợi ích thiết thực của mô hình nên tích cực hưởng ứng. Đến nay, thôn có 20 hố rác gia đình. Với những loại rác có thể tái chế, đều đặn vào ngày 20 hằng tháng, chị em vận động nhau tập kết bán gây quỹ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hiện có hơn 1,2 nghìn hội viên phụ nữ chủ yếu là làm nông nghiệp. Vì vậy, từ năm 2010, Hội đã vận động hội viên thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường. Hằng năm phối hợp với cán bộ tài nguyên môi trường tổ chức hướng dẫn, hội thi tìm hiểu về phân loại, xử lý rác tại gia đình.
Đến nay, toàn huyện Lạng Giang có gần 400 hộ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ ủ thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Dịp này, nhiều con đường ở xã Tân Thịnh được dọn dẹp phong quang, điểm tô thêm chút rực rỡ của những khóm hoa mười giờ. Có được kết quả đó là nhờ Hội LHPN xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch vận động hội viên phân loại, xử lý rác tại hộ. Hội chọn chi hội thôn Thanh Bình làm điểm, tuyên truyền lồng ghép với hoạt động biểu diễn văn nghệ, hái hoa dân chủ tìm hiểu kiến thức xử lý rác hữu cơ, vô cơ. Từ đó, chị em tự ý thức, hiện thực hóa bằng hành động. Mỗi gia đình chuẩn bị 2-3 thùng, bao, túi đựng rác để phân loại trước khi thu gom, sau đó tập kết rác đúng thời gian cũng như nơi quy định.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạng Giang Phan Thị Thu Hương cho biết, ý tưởng xây dựng các hố rác gia đình ra đời trong quá trình thực hiện Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội tập trung thực hiện đề án với mục tiêu bảo đảm 3 sạch: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp; đây là tiêu chí thi đua, đánh giá chất lượng phong trào của các chi hội.
Để tạo hiệu quả, Hội phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, xử lý rác thải bằng men vi sinh cho cán bộ, hội viên nòng cốt ở các cơ sở hội. Nhờ thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, từ đầu năm đến nay, các cơ sở hội trên địa bàn huyện đã thu được hơn 100 triệu đồng từ bán phế liệu. Từ số tiền trên, các chi hội đã đầu tư mua xe đạp, sách vở tặng học sinh nghèo. Đồng thời mua làn tặng hội viên sử dụng thay túi nilon. Hình ảnh chị em xách làn đi chợ đang là nét văn hóa của nhiều người dân nơi đây.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)