Nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cần bảo đảm thống nhất và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội theo quy trình 3 kỳ họp; Quốc hội đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 và tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại hội trường. |
Theo dõi quá trình xây dựng dự án Luật, đại biểu nhận thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm thực hiện từng bước trong quy trình xây dựng dự án theo đúng chức năng, nhiệm vụ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực chỉ đạo Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường - là cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia để chỉnh lý dự thảo Luật; đã tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật; cũng như lấy ý kiến của các tỉnh, TP, các bộ, ngành, nhất là với các nội dung lớn... để có thêm cơ sở lý luận và thực hiện hoàn thiện dự thảo Luật; do đó, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên.
Nghiên cứu Báo cáo số 598/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung đối với dự thảo Luật, Báo cáo số 678/BC-UBTVQH về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật dài 413 trang va dự thảo Luật cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu cơ bản tối đa, có giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là đã nêu được rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình rõ ràng nhiều vấn đề mà các đại biểu đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình tại kỳ họp này.
Với tính chất của Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và các hoạt động phát triển KT - XH. Nội dung của Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ đến rất nhiều Luật khác, nhất là các Luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… do vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm chất lượng tốt nhất song cũng rất cần phải được xem xét thông qua kịp thời để bảo đảm hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực có liên quan, nhất là để đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đối với một số nội dung cần tập trung thảo luận, đại biểu có ý kiến tham gia với 2 nội dung.
Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60), dự thảo Luật đưa ra 3 phương án. Tại Báo cáo số 589/BC-CP, Chính phủ đề xuất quy định theo phương án 2 - giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, theo đó “Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn”. Tại Báo cáo 678/BC-UBTVQH, đa số ý kiến thống nhất với phương án 1, theo đó “Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện kết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”.
Theo đại biểu, phương án do 2 cơ quan lựa chọn đều có những cơ sở nhất định. Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch, để luật hóa những quy định còn phù hợp, quá trình tổ chức thực hiện đã chứng minh được tính đúng đắn, đã phát huy hiệu quả của Nghị quyết 61/2022/NQ-QH và để phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nên nghiên cứu thêm phương án quy định theo hướng kết hợp 2 phương án như sau: “Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời. Quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước. Trường hợp quy hoạch cấp cao hơn chưa được phê duyệt thì cấp có thẩm quyền được phê duyệt quy hoạch cấp thấp hơn để thực hiện. Sau khi quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt, nếu quy hoạch cấp thấp hơn đã được phê duyệt không còn phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện kết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”.
Đồng thời, có thể có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết “Trường hợp quy hoạch cấp cao hơn chưa được phê duyệt thì cấp có thẩm quyền được phê duyệt quy hoạch cấp thấp hơn để thực hiện” nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quá trình thực thi.
Về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 không yêu cầu điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa; đối với cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển KT-XH.
Về nội dung này, dự thảo Luật đang dự kiến 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đại biểu cho rằng nên quy định theo phương án 2 – là phương án do Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 589/BC-CP tức là giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 - không yêu cầu điện kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Việc quy định theo phương án 2 sẽ bảo đảm thực hiện đúng chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW “Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn”. Nếu quy định thành lập tổ chức kinh tế sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng chi phí tuân thủ pháp luật nhưng không thay đổi bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Mặt khác, dự thảo Luật đã có quy định về chế độ sử dụng đất trồng lúa, trong đó người sử dụng đất phải đảm bảo tuân thủ các quy định về việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả, không để hoang hóa và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Thu Hằng (t/h)
Ý kiến bạn đọc (0)