Người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy: Phớt lờ quy định, nguy cơ mất an toàn
Vi phạm phổ biến
Theo điều 60, Luật Giao thông đường bộ, người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối không cần có giấy phép lái xe. Tuy nhiên không ít phụ huynh phớt lờ quy định này, trang bị phương tiện cho con đến trường dù chưa đủ tuổi.
Học sinh một trường học trên địa bàn TP Bắc Giang điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm sau khi tan học. |
Bị tổ công tác Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) lập biên bản vì điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên quốc lộ 37, Lăng Văn H (SN 2004) ở thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn (Lạng Giang) phân trần: “Em vội đi nên quên mũ bảo hiểm. Dù chưa đủ tuổi được phép điều khiển phương tiện song do đi xe đạp thì đường xa, trong khi xe máy không cần bằng lái nên bố mẹ mua cho em để thuận tiện, chủ động hơn trong việc đi lại”.
Ghi nhận tại khu vực một số cổng trường học như: Trường THPT Nguyên Hồng (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp huyện Lạng Giang cho thấy nhiều học sinh điều khiển xe máy tới trường. Thậm chí có trường hợp điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường. Do các trường đều cấm học sinh điều khiển xe máy nên các em không đem phương tiện vào trường mà gửi ở bên ngoài, nhà trường rất khó giám sát chặt chẽ.
Tìm hiểu ở các địa phương cho thấy tình trạng học sinh điều khiển xe máy diễn ra phổ biến, thậm chí không ít trường hợp còn “làm xiếc” trên đường. Đơn cử như Hà Duy Đức (SN 2004), trú tại thôn Cấm Vải, xã Kiên Lao (Lục Ngạn, Bắc Giang) điều khiển xe máy bằng chân vào chiều 15/4 đã bị Công an huyện Lục Ngạn xử phạt hành chính. Hay như một nữ sinh ở huyện Lục Nam vừa điều khiển xe máy bằng chân vừa sử dụng điện thoại di động khiến người đi đường lắc đầu lo lắng.
Phối hợp chặt chẽ giữa ba bên
Tốc độ của xe máy dưới 50 phân khối có thể lên đến 50km/h, trong khi ở độ tuổi dưới 18 các em chưa được học về Luật Giao thông đường bộ nên kỹ năng xử lý tình huống, quy tắc giao thông hầu như không nắm được, nguy cơ va chạm, tai nạn. Đơn cử, khoảng 12 giờ ngày 4/3, tại quốc lộ 31 đoạn qua xã Giáp Sơn (Lục Ngạn), Vi Văn H (SN 2004, học sinh một trường THPT) ở thôn Trại Mới, xã Biên Sơn (Lục Ngạn) điều khiển xe máy BKS 98AB-040.49 xảy ra va chạm với ô tô ngược chiều BKS 98B-009.69 khiến H tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo Thiếu tá Ngụy Phan Giang, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông (Công an huyện Lục Nam): Để ngăn ngừa tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi rất cần sự phối hợp giữa ba bên (nhà trường, gia đình và xã hội) trong việc giám sát, quản lý phương tiện của học sinh khi tham gia giao thông.
Về phía ngành công an, đơn vị đã phối hợp với một số trường yêu cầu các cá nhân, tổ chức trông giữ phương tiện cho học sinh ký cam kết không vi phạm quy định về ATGT, đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 74 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xử phạt gần 57 triệu đồng, cảnh cáo 14 trường hợp.
Đối với những trường hợp này, đơn vị yêu cầu phụ huynh có cam đoan trong công tác quản lý, không tiếp tục giao phương tiện cho con em điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài xử lý nghiêm vi phạm, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, các nhà trường quan tâm xử lý nghiêm khắc đối với những học sinh vi phạm, tránh tình trạng nơi chặt chẽ, nơi buông lỏng dẫn đến giảm tác dụng răn đe khiến cho học sinh nhờn vi phạm.
Thực tế cho thấy, nếu phụ huynh không hợp tác, chiều chuộng con em thái quá thì nhà trường có nỗ lực đến bao nhiêu cũng không hiệu quả. Do đó, để bảo đảm an toàn, các bậc phụ huynh tuyệt đối không giao xe máy cho con em sử dụng khi chưa được phép.
Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)