Nghị quyết 30a mở hướng thoát nghèo
Bí thư Huyện ủy Nghiêm Xuân Hưởng (thứ hai từ trái qua) thăm mô hình trồng ngải Đài Loan tại xã An Bá. |
Đổi thay nhờ Chương trình 30a
Sơn Động là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh với hơn 7,3 vạn người, gồm 14 dân tộc anh em sinh sống. Đồng bào các dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan... chiếm 47,2% dân số. Huyện có 23 xã, thị trấn, trong đó 19 xã đặc biệt khó khăn. Mặc dù có tiềm năng sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng do địa hình nhiều đồi núi, giao thông cách trở bởi sông suối nên địa phương còn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Kết thúc 2017, huyện còn hơn 8 nghìn hộ nghèo (chiếm 41,22%), giảm 5% so với năm trước. Nhiệm vụ trọng tâm của Sơn Động những năm tới tiếp tục mở rộng các mô hình, cách làm hay, giảm nghèo bền vững. |
Với quan điểm chỉ đạo, phát triển KT-XH của Sơn Động phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh, huyện đã triển khai Chương trình 30a theo những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn với quyết tâm "làm đến đâu chắc đến đó", thường xuyên rút kinh nghiệm để triển khai đúng lộ trình Chính phủ đặt ra. Sau 8 năm thực hiện, Sơn Động đạt nhiều kết quả nổi bật, bám sát mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đề án được thực hiện đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần to lớn làm thay đổi bức tranh KT-XH của huyện. Chỉ tính riêng năm 2017, từ kinh phí 38 tỷ đồng, Sơn Động thực hiện ba dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Từ nguồn vốn 30a, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Láng, xã Thanh Luận được hỗ trợ 300 con gà giống. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Giáp Văn Tâm, lâu nay, Sơn Động đã triển khai nhiều chương trình, dự án giảm nghèo nhưng thiếu tính bền vững. Do đó, một số hộ thoát nghèo nhưng lại tái nghèo. Gần đây, huyện có nhiều giải pháp mở hướng xóa nghèo bền vững cho người dân. Một trong những cách làm hay, thiết thực, được đồng bào ủng hộ là “cho dân mình cái cần câu”... Sản xuất nông, lâm nghiệp đi vào chiều sâu với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cao. Nông dân được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật bài bản và ứng dụng trong sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa chất lượng cao. Những cây trồng chủ lực được thay đổi giống mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Một số mô hình kinh tế như: Chăn nuôi lợn rừng ở xã Tuấn Đạo; thỏ thương phẩm, hươu sao ở xã Quế Sơn; tắc kè xã Long Sơn; chè Bát Tiên tại thị trấn Thanh Sơn; ba kích ở xã Tuấn Đạo, Bồng Am... mang lại thu nhập khá cho nông dân.
Chung tay giảm nghèo bền vững
Đến Sơn Động hôm nay dễ nhận thấy những đổi thay ở vùng đất này. Thị trấn An Châu được đầu tư đồng bộ, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của huyện. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng tạo cơ sở cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cách đây gần 10 năm - khi chưa có Chương trình 30a, nhiều tuyến đường xuống cấp khiến việc đi lại của đồng bào rất khó khăn. Giờ đây, hạ tầng giao thông đến các xã đặc biệt khó khăn đã được cải thiện đáng kể.
Mô hình nuôi hươu lấy nhung của gia đình ông Lê Thanh Tùng, thôn Vá, xã An Bá mang lại thu nhập cao. |
Để giảm nghèo nhanh, bền vững, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong huyện đã chú trọng củng cố bộ máy tổ chức, phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hội Liên hiệp Phụ nữ cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các mô hình tiết kiệm thiết thực, hiệu quả, giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, 100% cơ sở hội duy trì các mô hình tiết kiệm như: Hũ gạo, nuôi lợn đất, trồng rau sạch, ống tre tiết kiệm, tiết kiệm điện..., mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng ủng hộ các hội viên nghèo.
Diện mạo nông thôn mới ở huyện vùng cao Sơn Động. |
Một trong những mục tiêu hàng đầu của huyện Sơn Động là giảm nghèo bền vững. Đảng bộ huyện tiếp tục đề ra hai nhiệm vụ đột phá, hai nhiệm vụ trọng tâm cùng nhiều giải pháp giảm nghèo. Đó là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức, cơ sở đảng; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; thực hiện có hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị ở cơ sở; đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với phát triển kinh tế rừng. Huyện quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp, nông thôn phù hợp từng vùng theo hướng tập trung sản xuất cây lâm nghiệp, dược liệu, lương thực, thực phẩm; duy trì diện tích, tăng năng suất ba sản phẩm mũi nhọn gồm: Ba kích, nấm lim và mật ong rừng.
Hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, xây dựng. Ảnh: Việt Hưng |
Thực hiện có hiệu quả Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, Sơn Động tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân vùng hưởng lợi, nhất là các hộ dân tộc thiểu số hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, các chính sách được thụ hưởng từ Đề án để có trách nhiệm cùng tham gia. Chính quyền cơ sở kết hợp chặt chẽ với người dân địa phương trong việc bảo quản, khai thác các công trình và hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho các hộ để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cơ quan chức năng của huyện, xã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án, chính sách tại địa bàn. Đó là những yếu tố quan trọng giúp vùng cao Sơn Động khởi sắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)