Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4: Nghĩa cử của những nông dân
Cả thôn tham gia hiến máu
Đến thôn Đồng Ích, xã Hương Mai (Việt Yên), ai cũng biết gia đình ông Nguyễn Văn Thực (76 tuổi) và gọi với cái tên thân mật là “gia đình hiến máu”. Cả nhà ông có 9 con, cháu đều làm nông nghiệp và đều hăng hái tham gia hiến máu. Hiện hai con trai của ông là Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thanh đều hiến máu 5 lần; con trai út Nguyễn Văn Tuân hiến 10 lần; hai cháu nội là Nguyễn Văn Đức (3 lần), Nguyễn Văn Hào (2 lần). Đến nay, các thành viên trong gia đình ông Thực đã hiến 27 đơn vị máu.
Nông dân huyện Việt Yên hiến hàng nghìn đơn vị máu giúp đỡ người bệnh. |
Chị Đỗ Thị Điệp, con dâu ông Thực (hiến 4 lần) chia sẻ: "Thời gian đầu nghe cán bộ xã, thôn tuyên truyền, cả nhà đều e ngại vì sợ việc hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe, ăn bao nhiêu mới bù lại được. Nhưng thấy nhiều người trong thôn hăng hái hưởng ứng, rồi các anh chị em trong nhà tham gia, vậy là tôi rủ chồng, bảo con cứ đủ sức khỏe thì duy trì hiến máu 2 lần/năm".
“Mỗi lần gia đình có công việc, con cháu tập trung, khi nhắc đến việc hiến máu cứu người, bố tôi đều khuyên dạy: Không dư dả để giúp đỡ người khác về tiền bạc thì giúp bằng tấm lòng. Huống chi mỗi lần hiến máu là một lần kiểm tra sức khỏe. Với tinh thần đó, mỗi lần xã, thôn kêu gọi, các anh em trong gia đình đều rủ nhau thu xếp việc đồng áng để cùng tham gia”. Chị Điệp nói.
Bà Diêm Thúy Uyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã cho hay, xã Hương Mai có 8 thôn với 2,8 nghìn hộ dân. Hằng năm, kết quả tiếp nhận máu luôn vượt chỉ tiêu được giao từ 100-150%. Là xã thuần nông, bà con quanh năm bám ruộng vườn, hầu hết các tình nguyện viên hiến máu đều là nông dân. Thống kê chưa đầy đủ, toàn xã hiện có hơn 100 gia đình nông dân có từ hai thành viên trở lên tham gia HMTN; hai dòng họ Diêm Công và Đỗ Viết nhận cúp tôn vinh của Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN tỉnh với thành tích hiến máu 50 lần trở lên.
Những năm gần đây, kết quả tiếp nhận máu của huyện Lục Ngạn luôn đứng tốp đầu tỉnh. Ông Vi Văn Tuấn, Chủ tịch Hội CTĐ, Phó trưởng BCĐ vận động HMTN huyện cho biết: Năm 2020, toàn huyện đóng góp hơn 2,8 nghìn đơn vị máu, đạt 255% chỉ tiêu tỉnh giao. Trong số này, gần 80% lượng máu có được từ các tình nguyện viên là nông dân.
Thống kê của Hội CTĐ tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh), từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 175 nghìn đơn vị máu, đạt tỷ lệ 1,17% dân số tham gia, cao hơn mức bình quân chung cả nước. |
Ở các xã: Phì Điền, Hồng Giang, Trù Hựu, Quý Sơn vào những ngày hội hiến máu tập trung, bà con gọi nhau cùng tham gia, tự nguyện đóng góp kinh phí thuê xe, liên hoan một bữa sau khi hiến máu. Còn với các dòng họ: Hoàng, Phạm, Nguyễn ở xã Phì Điền; Nông ở xã Tân Hoa; Lăng, Nguyễn ở xã Biên Sơn, hiến máu luôn được nhắc đến như một kết quả quan trọng, tiêu biểu trong dịp tổng kết cuối năm. Phần quà tinh thần cho những người tích cực nhất chính là lời động viên, câu chúc sức khỏe để tiếp tục “sẻ giọt máu đào”.
Nhân rộng điển hình
Theo đánh giá của BCĐ quốc gia vận động HMTN, Bắc Giang là một trong số ít địa phương của toàn quốc tổ chức ngày hội hưởng ứng các chương trình vận động HMTN lớn như: Lễ hội Xuân hồng; Ngày toàn dân tình nguyện hiến máu; Chiến dịch những giọt máu hồng hè; Hành trình đỏ ở 100% huyện, TP. Kết quả tiếp nhận máu hằng năm luôn dẫn đầu các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc. HMTN đã trở thành phong trào ý nghĩa, lan tỏa sâu rộng trong đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho hay: Trước đây, lực lượng hiến máu ở các địa phương chủ yếu là công chức, giáo viên, đoàn viên thanh niên, thì nay nông dân đóng góp đến gần 70% lượng máu tiếp nhận được từ các ngày hội. Nghĩa cử cao đẹp của bà con đã góp phần bảo đảm nguồn máu dự phòng tại các cơ sở y tế, chia sẻ khó khăn với người bệnh.
Cán bộ Hội CTĐ xã Hương Mai (Việt Yên) tuyên truyền, vận động người dân HMTN. |
Để duy trì kết quả này, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào trong mọi tầng lớp nhân dân, hằng năm (từ năm 2008 đến nay), Hội CTĐ tỉnh tham mưu với BCĐ tỉnh tổ chức lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu cấp tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội cơ sở căn cứ tình hình thực tế địa phương, đơn vị tổ chức biểu dương, ghi nhận những tấm gương hiến máu cứu người. Đến nay, con số được BCĐ tỉnh tôn vinh đã lên đến hơn 6,2 nghìn lượt tập thể, cá nhân.
Tại các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo nông dân hưởng ứng phong trào. Ví như BCĐ vận động HMTN huyện Hiệp Hòa giao chỉ tiêu cho mỗi xã, thị trấn thành lập một đội tuyên truyền hiến máu, lồng ghép nội dung tuyên truyền, phát tờ rơi cho người dân, hội viên tại các buổi họp dân, sinh hoạt đoàn thể. Hay như tại các xã: Tiên Lục (Lạng Giang), Tự Lạn (Việt Yên), Lãng Sơn (Yên Dũng), Hội CTĐ quán triệt tới mỗi cán bộ hội cơ sở nêu gương, tham gia định kỳ và vận động ít nhất một thành viên trong gia đình hiến máu nếu đủ sức khỏe.
Chia sẻ kinh nghiệm vận động, chị Nguyễn Thị Kim Xuân, Chủ tịch Hội CTĐ xã An Hà (Lạng Giang) cho hay: Để động viên nông dân tham gia ngày hội hiến máu, tôi cùng với thành viên Ban Chấp hành Hội CTĐ xã tham mưu với UBND xã trích kinh phí hỗ trợ 130 nghìn đồng cho mỗi cá nhân hiến máu. Cùng đó, người hiến 5 lần được tặng quà động viên vào dịp tổng kết thi đua cuối năm. Sau mỗi đợt hiến máu, chúng tôi lưu lại thông tin, số điện thoại người hiến máu để khi triển khai kế hoạch tiếp theo sẽ liên lạc, gửi giấy mời thông báo thời gian, địa điểm với từng cá nhân.
Trong mỗi buổi họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, nghĩa cử hiến máu cứu người và việc hiểu đúng về hiến máu an toàn không có hại cho sức khỏe sẽ được lồng ghép tuyên truyền, phổ biến đến người dân. Từ đó, mỗi nông dân sau khi hiến máu lại trở thành tuyên truyền viên nòng cốt kêu gọi các thành viên trong gia đình, người cùng thôn, xóm tham gia HMTN, thiết thực lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc (0)