Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11: Chú trọng tuyên truyền, giám sát
Những vụ việc đau lòng
Khoảng 14 giờ ngày 2/10/2023, tại phòng trọ của gia đình ông D. V. T ở thôn Trung, xã Nội Hoàng (Yên Dũng), do nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác, nhiều lần to tiếng, đối tượng H. V. C (SN 1990) đã cầm dao đâm vào vùng ngực của vợ là chị L T. D (SN 1991) khiến chị D tử vong tại chỗ. Tiếp đó, đối tượng tự đâm 2 nhát vào ngực để tự vẫn nhưng không chết, sau đó C đến Công an xã Nội Hoàng để tự thú. Được biết, đôi vợ chồng này quê ở Hà Giang đã có hai con, xuống Bắc Giang làm công nhân ở khu công nghiệp, thuê nhà trọ để ở.
Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Chi Ly 2, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) nghiên cứu tài liệu về phòng, chống BLGĐ. |
Sau đó không lâu, trưa 8/10, tại tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), người dân phát hiện đôi vợ chồng tử vong nghi do mâu thuẫn gia đình. Hai người tử vong là vợ chồng chị N.T.H (SN 1992) và anh N.V.H (1985). Khi các con của hai nạn nhân đi học về phát hiện chị H tử vong ở tầng 3 còn anh H tử vong khu vực phía tum trong tư thế treo cổ. Được biết, vợ chồng chị H ở cùng nhà với mẹ đẻ chị H. Gần đây, hai vợ chồng có mâu thuẫn nên sống ly thân, đã gửi đơn ly hôn đến tòa án đang trong thời gian đợi giải quyết.
Đến ngày 31/10, tại thôn Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn) xảy ra vụ án mạng. Đối tượng T. T. T (SN 1979) do bị vợ là chị Đ.T.L (SN 1979) ngăn cản không cho sử dụng điện thoại đã dùng gậy gỗ đánh vào vùng đầu và mặt chị L. Sau đó đối tượng tiếp tục hành hung chị. Ngay khi phát hiện sự việc, người dân địa phương đưa chị L đi cấp cứu. Tuy nhiên, chị L đã tử vong.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 6 vụ giết người, trong đó có 5 vụ do mâu thuẫn vợ chồng làm 6 người chết, 1 người bị thương. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ dừng lại ở những vụ việc bị cơ quan pháp luật phát hiện, xử lý. |
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến BLGĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây mà nạn nhân là phụ nữ. Từ năm 2008, Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực, tỉnh Bắc Giang có nhiều nỗ lực đưa luật này vào cuộc sống với nhiều hoạt động: Tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân... Toàn tỉnh có hàng nghìn câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, tổ hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, nhiều vụ BLGĐ ở mức độ nghiêm trọng, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn xảy ra khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Từ năm 2015 đến năm 2022, toàn tỉnh xảy ra hơn 1.200 vụ BLGĐ, trong đó, nạn nhân là phụ nữ, trẻ em chiếm 75%. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ giết người, làm 15 người chết, 11 người bị thương. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10/2023 đến nay, liên tiếp xảy ra 6 vụ giết người, trong đó có 5 vụ do mâu thuẫn vợ chồng làm 6 người chết, 1 người bị thương.
Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Qua tìm hiểu, phần lớn phụ nữ bị bạo lực thường sống trong gia đình có chồng mắc tệ nạn xã hội; kiến thức, hiểu biết pháp luật về hôn nhân, gia đình còn hạn chế. Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế, lối sống buông thả, ảnh hưởng từ mặt trái của mạng Internet khiến giá trị đạo đức trong gia đình phần nào bị xói mòn, là mầm mống dẫn tới các vụ BLGĐ. Mặt khác, không ít vụ trọng án có nguyên nhân xuất phát từ chính người phụ nữ trong gia đình, chẳng hạn như vợ ngoại tình, ăn chơi đua đòi; ứng xử thô lỗ với chồng, con; thiếu hiểu biết pháp luật…
Theo Thượng tá Hoàng Văn Hiếu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, nhiều vụ trọng án (chồng giết vợ) xảy ra không mang tính chủ động mà chỉ là tức thì, bột phát do những mâu thuẫn âm ỉ, tích tụ từ lâu. Trong khi đó, ở một số nơi, tổ hòa giải, cán bộ ở cơ sở chưa sát sao nắm bắt tình hình dư luận, giám sát những trường hợp sau khi hòa giải để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Điều đáng nói, nguy cơ xảy ra BLGĐ tại khu vực có đông công nhân ở trọ gần các khu công nghiệp luôn tiềm ẩn. Không ít cặp vợ chồng nhận thức pháp luật hạn chế, kết hôn vội vã; chưa biết các nguyên tắc, phương pháp xây dựng gia đình, ứng xử với người bạn đời. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Việt Yên cho biết: “Hiện nay, số hội viên phụ nữ do Hội quản lý là hơn 42 nghìn người. Trong đó, khoảng 15 nghìn hội viên là công nhân các khu công nghiệp. Công nhân ít tham gia vào các hoạt động do hội phụ nữ cơ sở tổ chức bởi áp lực công việc và mối lo cơm, áo, gạo, tiền. Mỗi năm, có khoảng 400-450 phụ nữ gửi đơn ly hôn”.
Để phòng ngừa các vụ BLGĐ đối với phụ nữ, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, hôn nhân, gia đình đối với người dân; các nguy cơ bị bạo lực để phòng ngừa từ sớm, từ xa. Tổ chức các diễn đàn để phụ nữ bày tỏ ý kiến, chia sẻ kiến thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ. Tăng cường giám sát, kịp thời, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ bạo lực.
Bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, với vai trò trách nhiệm của mình, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan trong việc giám sát, bảo vệ phụ nữ trong từng vụ việc cụ thể; chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở tích cực nắm bắt đời sống hội viên, các vụ việc xảy ra để chủ động vào cuộc. Mặt khác, giúp đỡ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.
Được biết, trước thực trạng các vụ giết người liên tiếp xảy ra gần đây mà nạn nhân là phụ nữ trong gia đình, ngày 7/11, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản gửi các ngành, cơ quan, địa phương về tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi chưa làm tốt.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)