Ngành Giáo dục Bắc Giang: Thêm nguồn lực từ xã hội hóa
Cải thiện điều kiện dạy và học
Trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn khó khăn, công tác xã hội hóa là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp giáo dục phát triển. Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn. Những năm qua, công tác xã hội hóa đã tạo dựng nhiều thành tựu mới cho ngành Giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy từng bước được nâng cấp khang trang. Nhiều giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ vươn lên dạy tốt, học tốt.
Trước đây, do thiếu phòng học, Trường Tiểu học Canh Nậu (Yên Thế) phải bố trí cho học sinh học tập tại hai điểm trường. Cô giáo Phan Thị Huyền, Hiệu trưởng nói: “Nhờ được một số hộ dân ở thôn Nà Táng hiến đất, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bắc Giang II tài trợ 5 tỷ đồng, Trường Tiểu học Canh Nậu đã mở rộng khuôn viên, xây mới tòa nhà lớp học 3 tầng sạch đẹp để đưa học sinh khu lẻ về trung tâm học tập thuận tiện hơn từ năm học 2022-2023. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường được xem xét đánh giá nâng cấp độ trường chuẩn quốc gia từ mức độ 1 lên mức độ 2 trong tháng 12/2022”.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, Trường THCS Cao Xá (Tân Yên) được xây dựng mới khang trang. |
Tại huyện Tân Yên, đã nhiều năm, cơ sở vật chất Trường THCS Cao Xá (Tân Yên) chủ yếu là phòng học bán kiên cố, phòng học tạm đã xuống cấp, chưa bảo đảm điều kiện dạy và học. Từ nguồn tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, năm học này, nhà trường đưa vào sử dụng ngôi trường mới có đầy đủ hạng mục đồng bộ, hiện đại với tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng. Cũng từ nguồn vận động xã hội hóa, dự kiến trong tháng 12/2022, UBND thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) sẽ xây dựng Trường THCS thị trấn Cao Thượng gồm các hạng mục: Khối nhà lớp học, khu chức năng, phòng hiệu bộ, nhà xe, nhà đa năng, bể bơi với tổng mức đầu tư khoảng 130 tỷ đồng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT), hằng năm, các nhà trường triển khai kế hoạch xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, từ đó vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ xây dựng trường, lớp học. Nằm ở khu vực miền núi có đến 60% học sinh dân tộc thiểu số, nhờ làm tốt công tác vận động xã hội hóa, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) là một trong những cơ sở giáo dục có trang thiết bị hiện đại. Tất cả các phòng học, phòng chức năng của nhà trường đều được lắp máy điều hòa không khí từ nhiều năm nay.
Thầy giáo Vũ Đình Nghiệp, Hiệu trưởng cho biết: “Để làm tốt công tác xã hội hóa, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Tạo điều kiện cho con em học tập tốt hơn, nhiều phụ huynh, nhất là những hộ kinh doanh, trồng rừng kinh tế ở các xã Xuân Lương, Tam Tiến, Canh Nậu và cựu học sinh đã ủng hộ kinh phí, hiện vật trị giá gần 1 tỷ đồng để nhà trường mua sắm, lắp đặt thiết bị phục vụ dạy và học. Nhà trường cũng luôn quan tâm tạo dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương để tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền trong việc kêu gọi các nguồn lực”.
Thu hút nguồn lực
Chung tay cùng ngành Giáo dục tháo gỡ khó khăn về trường, lớp học, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 29 trường học ngoài công lập. Năm học 2022-2023, huyện Việt Yên có thêm Trường Mầm non tư thục Hạnh Phúc ở xã Việt Tiến và Trường Mầm non tư thục Bảo Ngọc tại xã Tăng Tiến hoạt động với quy mô từ 10-15 nhóm lớp.
Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó khuyến khích thành lập các cơ sở mầm non, trường phổ thông ngoài công lập ở khu vực thành thị, các khu, cụm công nghiệp. |
Không chỉ vận động đầu tư xây dựng, bổ sung trang thiết bị, nhiều trường còn chú trọng kêu gọi hỗ trợ các em phương tiện đi lại, sách vở, đồ dùng học tập, trợ cấp học bổng. Mới đây, Trường Tiểu học và Trường THCS Đan Hội (Lục Nam) đã tiếp nhận 40 chiếc xe đạp dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ gia đình chị Liên Sa (người con của quê hương) tài trợ.
Hằng năm, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội chi nhánh Bắc Giang (Viettel Bắc Giang) phối hợp tổ chức chương trình “Vì em hiếu học”. Năm 2022, chương trình được triển khai tại 37 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế với 370 học sinh nghèo được trao học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam cho biết: “Chúng tôi xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể từng em. Đối với học trò đặc biệt khó khăn, Phòng sẽ kết nối với Hội Chữ thập đỏ vận động hỗ trợ xây nhà, trao tiền hỗ trợ hằng tháng, miễn giảm học phí. Các trường hợp còn lại sẽ được quan tâm, động viên, tặng đồ dùng học tập, phương tiện đến trường”.
Kinh nghiệm thành công ở nhiều nhà trường là khi vận động phải quan tâm đến lợi ích cả hai phía, kêu gọi vận động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đối tác, làm tốt công tác truyền thông để cộng đồng hiểu đúng và ủng hộ, đồng thời giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực; tránh lạm thu.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, thời gian tới ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các nhà trường lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp ở từng khu vực như đô thị, vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn và ở các trường trọng điểm. Sở phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó khuyến khích thành lập các cơ sở mầm non, trường phổ thông ngoài công lập ở khu vực thành thị, các khu, cụm công nghiệp.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)