Ngân sách dành cho cải cách tiền lương dư gần 263.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa. |
Tại báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách trung ương chưa sử dụng khoảng 54.517 tỷ đồng, trong đó số tiền tồn tại các bộ, ngành gần 82 tỷ đồng. Các địa phương cũng dư tiền dành cho cải cách tiền lương là 208.457 tỷ đồng.
Như vậy, đến cuối năm 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện. Số dư đến cuối năm ngoái đang được Bộ Tài chính đốc thúc các đơn vị báo cáo và sẽ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Hiện, quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương, Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021- 2025. Tại Nghị quyết 27, Trung ương yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, dành nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương toàn diện, gồm thang lương, bảng lương, hệ số và các khoản phụ cấp. Việc này nhằm bảo đảm tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả.
Nghị quyết kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra tháng 10.
Tại báo cáo lần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang xây dựng khung ngân sách Nhà nước 2024, kế hoạch ngân sách 3 năm (2024- 2026), trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây sẽ là cơ sở để sử dụng nguồn tiền thực hiện cải cách tiền lương, tức xác định số được trích lập nhưng chưa sử dụng.
"Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương tại ngày 31/12/2022 và đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí", báo cáo Bộ Tài chính nêu.
Thẩm tra nội dung này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận xét lộ trình cải cách tiền lương vẫn chưa bảo đảm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27. Mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng 5%. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách này.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương.
Bộ Nội vụ sớm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27 Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hiện lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II là 4,16 triệu, vùng III khoảng 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước 1/7/2022.
Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nửa đầu năm nay cho thấy thu nhập trung bình của công nhân chỉ đáp ứng gần 70% chi tiêu. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm ngoái, chủ yếu do giá cả, tiền điện, nước tăng cao.
Theo VnExpess
Ý kiến bạn đọc (0)