Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở khu dân cư: Cần giải pháp đồng bộ
Chưa xử lý triệt để
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết 8 vụ việc về ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, chăn nuôi ở KDC. Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,3 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, UBND thị xã Việt Yên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường đối với 3 DN với tổng số tiền 90 triệu đồng (mỗi DN bị phạt 30 triệu đồng).
Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nguyên Ngọc xả hàng tấn vải vụn xuống ao trong suốt gần 2 năm qua. Ảnh chụp ngày 28/2/2024. |
Cụ thể, Công ty TNHH TL Tech Vina, phường Bích Động đã không thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại là 1 thùng dầu thải đã qua sử dụng; Công ty cổ phần Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ xây dựng, trong quá trình thi công tòa nhà A11 thuộc dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Khu công nghiệp Quang Châu) có phát sinh chất thải nguy hại là 9 thùng dung môi chất XYLENE đã qua sử dụng từ ngày 14/1/2024 nhưng không thu gom về kho lưu giữ mà để tại khu vực ngoài trời, không có mái che; Công ty TNHH Dong Hui trong khi xây dựng tòa nhà A03 tại dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian phát sinh chất thải nguy hại là 2 thùng dầu thải đã qua sử dụng từ khoảng tháng 12/2023, đến ngày 17/1/2024 DN này vẫn không thu gom về kho lưu giữ mà để tại khu ngoài trời, không có mái che.
Từ năm 2023 đến nay, Sở TN&MT đã tiếp nhận, giải quyết 8 vụ việc về ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, chăn nuôi ở KDC. Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,3 tỷ đồng. |
Mặc dù có nhiều cơ sở, DN sản xuất công nghiệp bị xử phạt vi phạm về môi trường song vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân chế biến gỗ, mộc dân dụng, cơ khí, may mặc, nung đốt gạch… trên địa bàn tỉnh không chấp hành nghiêm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng chưa bị xử lý kịp thời. Đơn cử như Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nguyên Ngọc, thôn Thượng Tự, xã Song Mai (TP Bắc Giang). DN này hiện có cơ sở may mặc với gần 80 lao động.
Hơn 2 năm qua, toàn bộ vải thừa, vải vụn trong quá trình sản xuất đều được DN này đổ xuống ao gần xưởng may, gây nguy hại cho môi trường. DN cũng san lấp trái phép hàng trăm m2 ao (cùng nơi xả vải vụn) để xây dựng nhà kho và xưởng sản xuất giấy. Đại diện lãnh đạo UBND xã Song Mai cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng đất nông nghiệp nhưng chủ DN vẫn cố tình vi phạm. Còn việc DN xả vải vụn gây ô nhiễm môi trường thì UBND xã chưa nắm được (?). Đại diện lãnh đạo UBND xã Song Mai cũng cho biết, sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, tham mưu xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm theo quy định.
Khuyến khích DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có gần 16 nghìn DN, chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 30% số DN thuộc nhóm sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, chế biến. Dù số lượng DN của tỉnh thành lập mới nhiều nhưng theo thống kê của Sở Công Thương và Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, tính đến hết tháng 2/2024 chỉ có 760 dự án (tương ứng khoảng 750 DN) xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến trong các khu, cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh.
Điều này đồng nghĩa với việc còn hàng nghìn DN có cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, CCN và nằm trong hoặc sát các KDC. Thực tế, nhờ có các DN, cơ sở sản xuất trong hoặc gần KDC, hàng nghìn lao động trong tỉnh có việc làm, thu nhập ổn định. Các cơ sở sản xuất này cũng góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), để các cơ sở sản xuất công nghiệp trong KDC mang lại hiệu quả thiết thực, không gây ô nhiễm môi trường, chủ DN phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, DN phải chấp hành nghiêm việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải, bụi, khí thải, mùi khó chịu; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt… Đặc biệt, cơ sở sản xuất thuộc các trường hợp có chất dễ cháy, nổ; chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ; có chất độc hại đối với người và sinh vật; có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người; có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với KDC...
Cùng với trách nhiệm của DN và cơ sở sản xuất, ông Phạm Trí Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị tham mưu cấp phép đầu tư các dự án ngoài khu công nghiệp) bám sát nội dung các quy hoạch của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh cấp phép cho các DN hoạt động phù hợp với quy hoạch. Khuyến khích thu hút đầu tư, cấp phép cho các DN công nghiệp hoạt động trong các khu, CCN.
Yêu cầu DN, cơ sở sản xuất phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; lập các thủ tục pháp lý về môi trường, đầu tư, xây dựng hoàn thiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định mới được phép hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với ngành chức năng xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi KDC. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các DN. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)