Ngân hàng góp sức đẩy lùi tín dụng đen
Chuyển động mới
Vào những ngày đầu tháng Tư, gia đình anh Phạm Văn Cường ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) đang tập trung huy động tiền cho người con trai làm thủ tục sang lao động tại Nhật Bản. Theo anh Cường, tổng chi phí hơn 100 triệu đồng. Vì gia đình thuần nông, kinh tế chưa dư dả nên với khoản tiền ấy đối với gia đình anh là quá lớn. Hạn cuối nộp tiền cho con đã cận kề, vợ chồng anh chưa biết xoay xở ra sao. “Tôi định vay nóng với lãi suất cao để giải quyết việc gấp nhưng nghĩ thấy lo. May mà khi ấy được cán bộ tín dụng tư vấn làm thủ tục vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Giang II, lãi suất 10,5%/năm. Các thủ tục vay được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng”, anh Cường chia sẻ.
Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Agribank huyện Lạng Giang- Bắc Giang II. |
Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc các ngân hàng chung tay đẩy lùi tín dụng đen, nhiều ngân hàng đã quan tâm triển khai các biện pháp thiết thực. Đơn cử như Agribank dành 5 nghìn tỷ đồng để phục vụ mục đích tiêu dùng của khách hàng. Theo đó, Agribank Chi nhánh Bắc Giang II chỉ đạo các chi nhánh loại II phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, TP tham mưu với UBND cấp huyện tổ chức hội nghị sơ kết Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 55. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Giang II nói: “Chúng tôi tập trung phối hợp với các tổ chức đoàn thể để nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, từ đó giúp bà con không phải tiếp cận với tín dụng đen”.
Được biết, hiện nay Agribank Chi nhánh Bắc Giang II có 733 tổ vay vốn, nằm ở 110 xã trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng cho vay hơn 9.700 khách hàng với số tiền 1.625 tỷ đồng, trong đó nhiều trường hợp vay tiêu dùng được giải quyết ngay trong ngày.
Cũng như Agribank Chi nhánh Bắc Giang II, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Theo ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, hệ thống BIDV trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và các hộ sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn.
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), với đặc thù chủ yếu phục vụ đối tượng chính sách, khó khăn nên đã có nhiều điều chỉnh nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn. Cụ thể, ngân hàng nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo từ 50 lên 100 triệu đồng, thời hạn từ 5 lên 10 năm. Những hộ đang có dư nợ, do nhu cầu cần đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, với phương án hợp lý thì vẫn được làm thủ tục bổ sung vay tiếp. Ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh đã cho hơn 90 trường hợp hộ nghèo, khó khăn vay theo chủ trương mới, tổng số tiền khoảng 6 tỷ đồng.
Linh hoạt trong điều hành
Nhằm tạo bước chuyển mới, gần đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn về giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen; đồng thời yêu cầu phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng… Theo ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Chi nhánh, căn cứ tình hình thực tế, các tổ chức tín dụng cần chủ động đề xuất với Ngân hàng cấp trên mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch tại địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu của người dân, nhất là những địa bàn tín dụng đen hoạt động mạnh. Xem xét mở rộng mô hình ngân hàng lưu động ở các xã, huyện khó khăn, giúp khách hàng thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Luân, nhằm góp phần thiết thực đẩy lùi tín dụng đen, các tổ chức tín dụng cũng cần linh hoạt trong điều hành, như thực hiện định kỳ trả nợ phù hợp với đối tượng cho vay; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân chính đáng, giúp khách hàng không phải đi vay nặng lãi để đáo hạn ngân hàng. Đồng thời nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, của ngành về hoạt động tín dụng, đặc biệt về lãi suất cho vay, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn. Chú trọng kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn cán bộ có hành vi tiếp tay, thông đồng với đối tượng cho vay nặng lãi, hình thành nên tín dụng đen.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)