Ngăn chặn hoạt động tín dụng đen
Lãi suất cho vay vượt nhiều lần so với quy định
TDĐ là loại hình tín dụng phi chính thức, người vay phải chịu mức lãi suất cao, không có tài sản cầm cố. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp vay tiền mà các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% được coi là cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật. Thế nhưng thời gian qua, trong tỉnh có nhiều đối tượng vẫn lén lút cho vay nặng lãi với lãi suất cao gấp 3-4 lần, thậm chí gấp hàng chục lần so với quy định nhằm trục lợi bất chính.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh giải ngân vốn vay theo chương trình chính sách. |
Ngày 12/4 vừa qua, Công an tỉnh bắt giữ Đỗ Văn Hành. Đối tượng này thuê nhà nghỉ làm dịch vụ cầm đồ tại thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện (Lục Nam) để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Qua điều tra vụ việc, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng này còn cho nhiều người vay nặng lãi với lãi suất từ 3-10 nghìn đồng/1triệu đồng/ngày (tương đương 108%-365%/năm), thu lợi bất chính hơn 153 triệu đồng. Được biết, do cần tiền sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân nên đầu tháng 4 năm nay, anh N.V.H, xã Đông Sơn (Yên Thế) gặp Đỗ Văn Hành cầm cố xe ô tô để vay 400 triệu đồng, thời gian 15 ngày với lãi suất 4 nghìn đồng/1triệu/ngày. Theo đó, anh H phải viết giấy bán xe ô tô và được Đỗ Văn Hành chuyển cho 376 triệu đồng, còn lại 24 triệu đồng trừ vào lãi.
Tương tự, anh N.V.K, thị trấn Nếnh (Việt Yên) cầm cố xe ô tô vay Đỗ Văn Hành 150 triệu đồng trong 15 ngày, lãi suất 4 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Sau khi viết giấy bán xe, anh L được Đỗ Văn Hành giao cho 141 triệu đồng và cắt trước tiền lãi 9 triệu đồng. Hết thời hạn vay trên, anh K không trả được nợ nên gia hạn vay thêm 15 ngày và phải trả thêm 9 triệu đồng tiền lãi. Với hành vi trên, Đỗ Văn Hành hiện đang bị cơ quan chức năng tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ, 3 năm qua, cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp nhận 31 vụ liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật hoạt động TDĐ, trong đó khởi tố 26 vụ với 78 bị can. |
Cũng trong tháng 4 năm nay, Công an tỉnh bắt giữ Ngô Văn Thành và vợ là Nguyễn Thị Sen, cùng trú tại thôn Dĩnh Tân, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Từ năm 2018 cho đến khi bị bắt giữ, Ngô Văn Thành và Nguyễn Thị Sen đã cho nhiều công dân ở huyện Lạng Giang vay tiền với lãi suất cao. Bằng thủ đoạn cho vay lãi nặng thông qua hợp đồng mua bán, cầm cố ô tô, mô tô với lãi suất từ 3-5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 108% đến 180%/năm), các đối tượng đã thu lợi bất chính khoảng 200 triệu đồng. Sau khi củng cố tài liệu chứng cứ, ngày 5/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng lệnh tạm giam đối với Ngô Văn Thành và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Sen về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Không chỉ hai trường hợp trên, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ, 3 năm qua, cơ quan chức năng tiếp nhận 31 vụ việc liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật hoạt động TDĐ, trong đó khởi tố 26 vụ với 78 bị can.
Kiên quyết đẩy lùi vi phạm
Đối tượng hoạt động TDĐ thường núp bóng dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, hỗ trợ tài chính. Do biết rõ người đi vay khó khăn về tài chính, không chứng minh được thu nhập và không có tài sản thế chấp, khó tiếp cận vốn ngân hàng nên các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng chiêu trò quảng cáo thu hút người vay qua zalo, facebook, qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc qua mảnh giấy dán trên tường, cột điện có ghi số điện thoại người cho vay… với thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn. Mức lãi suất cho vay cao, từ 3-10 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày nên nhiều người sau khi vay kinh doanh thua lỗ hoặc sử dụng tiền vay chơi lô đề, cờ bạc nên không trả được nợ dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ.
Hầu hết các đối tượng cho vay lãi nặng đều sử dụng phương thức, thủ đoạn để “lách luật” như: Viết giấy cho vay chỉ ghi tổng số tiền, không ghi mức lãi suất; trường hợp người vay có tài sản thế chấp thì viết giấy chuyển nhượng, mua bán tài sản với giá trị chuyển nhượng, mua bán thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của tài sản… Hai bên tự thỏa thuận mức lãi suất và trừ ngay vào khoản tiền vay.
Đáng lo ngại, khi thấy người vay không còn khả năng trả nợ, có đối tượng đã gây áp lực cho gia đình, người thân và người vay để đòi tiền, nhẹ thì khủng bố tinh thần, nặng thì cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… Trong khi đó, người đi vay hầu như cũng không có chứng cứ tố cáo đối tượng cho vay nặng lãi. Thực trạng trên không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn khiến nhiều người rơi vào cảnh "tán gia bại sản", ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay theo hình thức TDĐ được dán trên các cột điện tại thị trấn Vôi (Lạng Giang). |
Để góp phần đẩy lùi hoạt động TDĐ, gần đây, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có động thái tích cực trong điều hành tín dụng, với phương châm mở rộng đối tượng, giải ngân nhanh chóng, hạn chế người dân phải vay lãi nặng để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Thực hiện gói cho vay 5 nghìn tỷ đồng của Agribank để phục vụ mục đích tiêu dùng của khách hàng, đến nay, Agribank Chi nhánh Bắc Giang II đã giải ngân hơn 52 tỷ đồng cho 1.791 khách hàng.
BIDV Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và các hộ sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh với đặc thù chủ yếu phục vụ đối tượng chính sách, khó khăn đã nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo từ 50 lên 100 triệu đồng, thời hạn từ 5 năm lên 10 năm, giúp người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn…
Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, mở rộng, đáp ứng các nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy lùi hoạt động TDĐ. Khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để phục hồi sản xuất. Đồng thời tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giảm chi phí không cần thiết.
Giải pháp thiết thực nữa là cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác, nói không với TDĐ. Theo cơ quan công an, các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có những thủ đoạn rất tinh vi để che giấu cơ quan chức năng như hoạt động vào buổi tối, cắt lãi trước, cất giấu sổ sách, giấy tờ về hoạt động cho vay ở địa điểm khác nhau... Nhiều đối tượng sử dụng tài khoản công nghệ cho vay tiền qua website, dùng các số thuê bao, tài khoản không chính chủ gây khó khăn, cản trở công tác điều tra, đấu tranh của lực lượng chức năng.
Thượng tá Vũ Văn Đấu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo phòng nghiệp vụ, công an các huyện, TP tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động TDĐ, cơ sở cầm đồ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn, thủ đoạn liên quan cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Cơ quan công an khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước các loại hình cho vay qua mạng không rõ ràng, không phải của các tổ chức tài chính nhà nước; nên tiếp cận vốn vay của hệ thống ngân hàng.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)