Nâng hạng PCI: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn
Đây là chỉ số được đánh giá và xếp hạng hằng năm nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp (DN).
Biểu đồ điểm số và xếp hạng PCI của Bắc Giang từ năm 2006 đến 2019. |
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách và tập trung cao chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo thuận lợi nhất cho các DN tại Bắc Giang. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện nội dung này.
Hằng năm, sau khi chỉ số PCI được công bố, UBND tỉnh kịp thời tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện, trong đó phân tích rõ đâu là thuận lợi, hạn chế; những thách thức và cơ hội của từng yếu tố cấu thành PCI. Đặc biệt là tìm rõ nguyên nhân dẫn đến điểm số tăng để tiếp tục duy trì và phát triển; “điểm nghẽn” cần khắc phục, từ đó quyết liệt chỉ đạo, kịp thời có giải pháp tăng điểm số, nâng hạng PCI của tỉnh năm tiếp theo.
Tuy nhiên, qua khảo sát và kết quả xếp hạng PCI của tỉnh những năm gần đây cho thấy, điểm số tăng nhưng chậm, nhiều tiêu chí điểm còn thấp. So với cả nước thì tổng điểm và xếp hạng PCI của tỉnh chưa cao. Năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh đạt 63,01 điểm (tăng 0,81 điểm), xếp hạng 36/63 tỉnh, TP, giảm 6 bậc so với năm 2017. Năm 2019, Bắc Giang đạt 64,47 điểm, tăng 1,46 điểm so với năm trước và giảm 4 bậc, xếp thứ 40 toàn quốc.
Như vậy, Bắc Giang liên tục tụt hạng và thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế khá, chưa vươn lên nhóm tốt của cả nước. “Điểm tăng nhưng hạng tụt” là do tốc độ tăng điểm PCI của tỉnh chậm so với trung bình của cả nước. Qua đây có thể thấy, trong xu thế cạnh tranh nâng hạng chỉ số này giữa các địa phương thì nguy cơ tụt hậu của Bắc Giang vẫn có thể xảy ra.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là “tập trung vào xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh”, “thu hút các dự án lớn vào địa bàn”.
Vì thế, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Bắc Giang, tạo dựng và khẳng định hình ảnh, thương hiệu của địa phương đối với nhà đầu tư, DN là cần thiết; việc tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện điểm số, nâng hạng chỉ số PCI rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Qua chỉ số PCI, các cấp chính quyền từ xã, huyện và TP đến UBND tỉnh tiếp tục cải thiện chất lượng quản lý và điều hành, đồng thời “định vị” được Bắc Giang đang ở đâu trong sự nỗ lực chung của các tỉnh, TP cả nước để vươn lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều DN ở Bắc Giang vẫn còn gặp khó khăn từ khâu "đăng ký" đến "hậu đăng ký DN". Vì vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện và nâng hạng PCI, tỉnh cần quan tâm, tạo thuận lợi hơn cho các DN trong tiếp cận và sử dụng đất đai; nâng cao tính minh bạch và trợ giúp DN tiếp cận thông tin; thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý những hành vi gây phiền hà, cửa quyền, sách nhiễu đối với nhân dân và DN.
Cùng đó, nâng cao tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các sở, ngành và huyện, TP; phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người trực tiếp giải quyết các thủ tục cho DN. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Điểm số PCI cao, vị trí xếp thứ hạng tốt là yếu tố cốt lõi để thu hút được ngày càng nhiều DN đầu tư vào địa bàn và khẳng định niềm tin, sự hài lòng hơn của DN đối với chính quyền các cấp. Với những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế của tỉnh những năm qua cũng như sự quyết tâm trong chỉ đạo và điều hành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tin rằng Bắc Giang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và luôn được đánh giá là thân thiện, đồng hành cùng DN.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chú trọng tăng điểm chỉ số tiếp cận đất đai
Tiếp cận đất đai lâu nay vẫn được xem là một trong những thành phần chỉ số PCI quan trọng. Chỉ số này phản ánh hai khía cạnh mà DN quan tâm đó là tiếp cận đất đai có dễ dàng hay không và sự bảo đảm về tính ổn định trong quá trình sử dụng đất. Thực tế, hầu như các DN khi tiếp cận thường gặp khó khăn về thủ tục hành chính. Công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình xây dựng theo kế hoạch. Để tăng điểm ở chỉ số này, UBND tỉnh nên giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành chức năng và các huyện, TP gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các giao dịch về đất đai; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời hạn chế điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế ro của DN ở mức thấp nhất. Cùng đó, tỉnh quan tâm làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất để tạo tính ổn định về đất đai; tăng cường chỉ đạo các huyện, TP đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho DN triển khai dự án. Minh Linh (ghi) |
Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Văn Phương: Kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội quanh KCN
Là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh, đến nay tại Việt Yên có 6 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.100 ha đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100 nghìn lao động. Công nhân từ các địa phương khác đến sinh sống, lao động với số lượng lớn, số người nước ngoài ngày càng nhiều... đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng đối tượng xấu trà trộn, cư trú bất hợp pháp, lợi dụng hoạt động để phạm tội, tệ nạn xã hội… Để tạo môi trường thuận lợi hơn cho lao động và người dân địa phương, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, góp phần hỗ trợ tối đa cho DN, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội quanh KCN là “chìa khóa” thành công. Trước mắt, huyện tập trung giải phóng mặt bằng, thực hiện 3 dự án nhà ở công nhân với gần 30 nghìn chỗ ở gồm: Dự án khu nhà ở công nhân KCN Đình Trám, Vân Trung và nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh. Quan tâm xây dựng các thiết chế, công trình phục vụ cho công nhân, người lao động như: Nhà trẻ, nhà văn hóa; nắm chắc tình hình lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để kịp thời hỗ trợ, chăm lo tốt nhất cho người lao động. Trong lĩnh vực an ninh trật tự, huyện yêu cầu lực lượng công an rà soát toàn bộ các khu nhà trọ, đưa vào quản lý, theo dõi những trường hợp không phải là công nhân, có hành tung bí ẩn đến thuê trọ; thành lập, duy trì các tổ tuần tra vũ trang ban đêm ở địa bàn trọng điểm. Sỹ Quyết (ghi)
|
Ý kiến bạn đọc (0)