Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản
Quản lý chặt chẽ
Bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp kiểm tra, giám sát nhiều tổ chức đấu giá và cuộc đấu giá tài sản. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, nhìn chung, các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện chính xác, đầy đủ quy trình đấu giá, từ ban hành quy chế, niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, xem tài sản, tiếp nhận hồ sơ, thu tiền đặt trước đến bước đấu giá. Các tổ chức đấu giá hoạt động ngày càng chuyên nghiệp; tình hình an ninh trật tự tại các phiên đấu giá ổn định.
Đại diện Sở Tư pháp phối hợp giám sát một cuộc đấu giá tài sản tại huyện Việt Yên. |
Theo ông Hà Trung Việt, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group, trong mỗi phiên đấu giá, Công ty luôn bảo đảm tính khách quan, công bằng, thực hiện đúng quy định pháp luật; giúp khách hàng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành sự điều hành của đấu giá viên. Các cuộc đấu giá mà Công ty phối hợp tổ chức không có tình trạng thổi giá, thông đồng.
Khảo sát thực tế cho thấy, đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá cơ bản làm tốt quy trình lựa chọn tổ chức đấu giá, ký kết hợp đồng dịch vụ; quan tâm giám sát tổ chức đấu giá và cuộc đấu giá; trình cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng mua bán và phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; gửi thông báo tổ chức cuộc đấu giá về Sở Tư pháp để theo dõi, giám sát theo quy định.
Bên cạnh kiểm tra, giám sát, Sở Tư pháp phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức hành nghề đấu giá. Theo thống kê, từ năm 2017 đến 2021, Sở Tư pháp đã thực hiện 6 cuộc thanh tra, xử lý, phát hiện một số tồn tại, sai sót, vi phạm về trình tự, thủ tục; lập, quản lý, sử dụng sổ sách; việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ, mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các đấu giá viên chưa đầy đủ, đúng quy định.
Sở đã yêu cầu các tổ chức này kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đồng thời ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 111 triệu đồng; thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá ba trường hợp. Đối với các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, Sở Tư pháp kịp thời xác minh thông tin ban đầu và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Khắc phục hạn chế
Hoạt động đấu giá tài sản có tính chất phức tạp, thường xuyên biến động. Mặc dù được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo song lĩnh vực này vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như cơ chế chính sách bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước còn bất cập. Việc định giá, xác định giá khởi điểm có trường hợp chưa hợp lý, chưa sát với giá thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên. Một số tổ chức đấu giá thực hiện cuộc đấu giá chưa đúng trình tự, thủ tục, quy chế; đấu giá viên và nhân viên có năng lực hạn chế...
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính cùng các cơ quan liên quan xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất sát với giá thị trường trước khi đưa ra đấu giá. Cùng đó tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay, bao che cho sai phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá.
Toàn tỉnh có 8 tổ chức đấu giá tài sản, 13 chi nhánh đấu giá và 21 đấu giá viên. Trong 5 năm (2017-2022), các đơn vị thực hiện hơn 1 nghìn cuộc, thu tổng số tiền gần 25.600 tỷ đồng. |
Thể chế là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng quản lý hoạt động đấu giá tài sản, vì thế, Sở Tư pháp đã nghiên cứu, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Bà Đỗ Thị Loan, Trưởng Phòng Hành chính Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết, phòng đã rà soát, nghiên cứu, đề nghị cấp trên hướng dẫn cụ thể hơn cách xác định phiếu đấu giá hợp lệ, hủy kết quả đấu giá; đề nghị Bộ Tư pháp áp dụng đặt cọc tối thiểu 30% và tối đa 50% giá trị tài sản theo giá khởi điểm để ngăn ngừa tình trạng bỏ cọc, thổi giá.
Mới đây, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở có thu tiền và ban hành đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026”.
Qua đây nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan trong hoạt động này; từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật; theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời có giải pháp để thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)