Nâng cao hiệu quả lập quy hoạch xây dựng đô thị
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp diễn ra sáng nay (7-12). |
Bảo đảm tính khả thi của quy hoạch đô thị
Tham luận về nội dung “Những vấn đề đặt ra trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, kiến nghị và giải pháp thực hiện”, đại biểu Mai Sơn (tổ TP Bắc Giang) cho rằng, bên cạnh các mặt tích cực đạt được vẫn còn có một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, việc đánh giá hiện trạng chưa sát, tầm nhìn và dự báo của quy hoạch còn có nội dung chưa theo kịp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số ý tưởng quy hoạch đưa ra hợp lý về mặt định hướng nhưng lại không lường hết được các khó khăn vướng mắc nên khi triển khai phải thực hiện điều chỉnh mới bảo đảm tính khả thi như dự án cầu Đồng Sơn, cầu Á Lữ …
Đại biểu Mai Sơn cũng cho biết, quá trình đầu tư, do thiếu nguồn lực nên không thể triển khai xây dựng hạ tầng theo quy hoạch một cách đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải chính. Vì vậy, việc kết nối giữa các khu vực, đấu nối thoát nước và xử lý nước thải còn rất hạn chế. Nhiều khu vực vì chưa có hệ thống thu gom nước thải đồng bộ nên nước thải xả trực tiếp ra ruộng và ao hồ gây mất vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực.
Để việc thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị của tỉnh nói chung và TP Bắc Giang nói riêng bảo đảm chất lượng, đạt hiệu quả cao, đại biểu Mai Sơn kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí để lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cho các đô thị. Khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư khu đô thị, khu dân cư lập quy hoạch chi tiết theo lộ trình phát triển đô thị gắn với đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước để phát huy sáng tạo, cập nhật các xu hướng mới; đồng thời, làm tốt việc công khai, cắm mốc quy hoạch trên thực địa.
Đại biểu Mai Sơn (tổ TP Bắc Giang) nêu kiến nghị về nâng cao hiệu quả lập quy hoạch xây dựng đô thị. |
UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các cơ quan tổ chức lập quy hoạch đổi mới, nâng cao phương pháp lập quy hoạch đô thị theo hướng: Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu kỹ các quy hoạch định hướng của Chính phủ, các bộ ngành T.Ư, của tỉnh và các ngành, từ đó đề xuất phương án quy hoạch đô thị thực sự khoa học, hợp lý và khả thi. “Việc tổ chức lập các đồ án quy hoạch nên giao cho các địa phương thực hiện để bảo đảm nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trạng đô thị, bám sát thực tế về nhu cầu và mục tiêu, định hướng phát triển của địa phương”, đại biểu Mai Sơn nói.
Quản lý dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế
Thay mặt Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đại biểu Ngô Văn Nam nêu thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2012-2017, toàn tỉnh đã thu hút 233 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 2.394,2 triệu USD; trong đó, tại các KCN có 142 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 1.644,6 triệu USD, bên ngoài các KCN 91 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 749,6 triệu USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có 212 dự án, chiếm 91%; lĩnh vực dịch vụ có 20 dự án, chiếm 8,6%. Trong số 233 dự án đã có 204 dự án đang hoạt động, đóng góp tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại biểu Ngô Văn Nam, thành viên Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu thảo luận. |
Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Văn Nam, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, nhất là trong công tác thanh tra và kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Chất lượng thẩm định một số dự án đầu tư chưa cao, nhất là thẩm định về công nghệ và hiệu quả đầu tư; còn tình trạng chấp thuận cho một số dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thuê lại nhà xưởng không bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường, cá biệt còn chấp thuận cho một số dự án thuê lại nhà dân. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tình trạng để doanh nghiệp vừa xây dựng vừa hoàn thiện các thủ tục về môi trường. Nhiều dự án đi vào sản xuất khi chưa hoàn thành các các công trình xử lý chất thải.
Xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh
Tham luận về những khó khăn, thuận lợi và giải pháp để xây dựng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu gồm: Lợn, gà, cá, vải thiều, lúa chất lượng, rau các loại, cam, lạc; 14 sản phẩm đặc trưng và 26 sản phẩm tiềm năng. Trong số đó có quả vải thiều Lục Ngạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và 40 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu. Tuy nhiên, quy mô một số sản phẩm còn nhỏ, phân tán, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao; phương thức sản xuất chưa đổi mới; chưa xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa tốt. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Phát triển thương hiệu, bao bì, nhãn mác sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, nhiều sản phẩm xuất bán ở dạng thô không có nhãn mác nên khó truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng tới thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Khái nói: “Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ nông sản tuy đã được quan tâm nhưng nội dung, hình thức chưa hấp dẫn, chuyên nghiệp và mới chỉ tập trung cao đối với vải thiều, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, rượu Làng Vân, cam Lục Ngạn”.
Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, bao bì, tem nhãn sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 6 sản phẩm: Vải thiều, gà đồi Yên Thế, cam, bưởi Lục Ngạn, mỳ gạo, chè Yên Thế, rượu Làng Vân đạt sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Trong đó, vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chí quốc gia; tiếp nhận, triển khai công nghệ bảo quản, chế biến nông sản nhằm kéo dài thời gian thu hoạch và tăng giá trị kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phát biểu tham luận. |
Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (7-12), các đại biểu đã tập trung vào nhiều vấn đề như: Thực hiện chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn; những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Lạng Giang; định hướng và các giải pháp phát triển đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2017 trên địa bàn huyện Yên Thế; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh năm 2017 và đề xuất một số giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới; những vấn đề đặt ra trong quản lý đất đai tại huyện Lục Nam; tình hình đời sống nhân dân các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lục Ngạn; các vấn đề đặt ra đối với công tác thi hành án dân sự và kiến nghị các giải pháp thực hiện.
Chiều nay (7-12), các đại biểu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhóm PV Báo điện tử
Ý kiến bạn đọc (0)