Năm 2022 và kỳ vọng đổi mới của tuyển Việt Nam
Tròn 20 năm trước, tại AFF Cup 2002, đội tuyển khi đó do HLV Henrique Calisto dẫn dắt đến Jakarta (Indonesia) dự giải mà không mang theo bất kỳ sự kỳ vọng nào. Bóng đá Việt Nam khi đó ở đáy của cuộc khủng khoảng nghiêm trọng. "Thế hệ vàng" đời đầu đã chia tay sân cỏ gần hết sau thất bại ở Tiger Cup 2000, còn lứa U23 bị loại ngay vòng bảng SEA Games 2001. Thời đó, đội tuyển của ông Calisto thậm chí còn không có quần áo mới để tập luyện, không nhiều người quan tâm đến đội bóng.
Đội trưởng Quế Ngọc Hải và các tuyển thủ Việt Nam vỗ tay tri ân người hâm mộ trên SVĐ Quốc gia Singapore sau khi dừng bước tại AFF Cup 2020 hôm 26/12/2021. Ảnh: Leo Sengwei |
Đó là lần đầu tiên mà Phạm Văn Quyến (18 tuổi), Phan Văn Tài Em (20), Nguyễn Minh Phương (22) và Nguyễn Huy Hoàng (21) có mặt trong đội tuyển, còn đa số các tuyển thủ khác đều đã 29-30 tuổi. Nhưng những cầu thủ trẻ ấy đều được tạo điều kiện để ra sân. Có người là trụ cột (Tài Em, Minh Phương), có người ghi bàn ngay trận đầu tiên (Văn Quyến). Đội tuyển do Calisto dẫn dắt đoạt HC đồng tại kỳ giải đó một cách bất ngờ. Người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 ở trận tranh giải Ba gặp Malaysia là Nguyễn Minh Phương - người sau đó sáu năm có đường đá phạt chuẩn xác để giúp Lê Công Vinh đánh đầu ở phút cuối đem về danh hiệu vô địch Đông Nam Á đầu tiên.
Đó là câu chuyện điển hình nhất cho cách vận hành một đội tuyển quốc gia. Không chỉ ở Việt Nam, giai đoạn thăng hoa nhất của một nền bóng đá thường trùng với sự xuất hiện của một thế hệ, nhóm cầu thủ tài năng. Nhưng điều đó không thường xuyên xảy ra, nên trên thực tế, các đội tuyển phải dựa trên sự thay thế, cạnh tranh, tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ để qua thời gian hình thành nên một tập thể mạnh. Giai đoạn 2002-2008, bóng đá Việt Nam đã làm tốt công việc này và kết quả là vào tứ kết Asian Cup 2007 rồi vô địch AFF Cup 2008, những kỳ tích mà phải đến thời HLV Park Hang-seo mới bị xô đổ.
Thế hệ hiện tại rất đặc biệt với hành tranh vô tiền khoáng hậu - ba lần dự vòng chung kết U23 châu Á và tấm vé dự World Cup trẻ thế giới. Thành công của họ trong năm 2018 mở ra một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Khai thác tối đa tiềm năng của thế hệ này là chuyện đương nhiên, nhưng cũng vì thế mà chúng ta cũng "dính chặt" với những thành công mà thế hệ này tạo ra.
Tại AFF Cup 2020, chỉ duy nhất Nguyễn Hoàng Đức được xem là đại diện cho "lứa kế cận" chiếm được suất đá chính trong đội hình "thế hệ 2018". Nhưng thực ra, Hoàng Đức đã là thành viên của đội U20 dự World Cup. Vì thế, chưa có bất kỳ sự tiếp nối nào trên đội tuyển hiện nay. Không có một cầu thủ U22 nào đủ khả năng ra sân dù tuổi trung bình của nhóm trụ cột đã 26-27. Trong khi đó, ở AFF Cup 2018, con số này lên đến chín người.
Bóng đá Việt Nam có vẻ đang có xu hướng chờ đợi một thế hệ mới xuất hiện đồng loạt, tương tự năm 2018. Điều này là không thực tế nếu nhìn vào lứa U19 hiện tại cũng như những tổn hại do Covid-19 gây ra suốt hai năm qua, đặc biệt là với hệ thống thi đấu của bóng đá trẻ nội địa. Chiến lược phù hợp nhất là nâng cấp lứa U23 hiện nay và mạnh mẽ trẻ hóa đội tuyển.
Và dù thất bại ở AFF Cup 2020, thời cơ để làm điều đó dường như đang ở ngay trước mắt.
Năm 2022, chỉ tính riêng hệ thống thi đấu của U23 đã vô cùng dày đặc. Bắt đầu từ U23 Đông Nam Á, đến SEA Games, rồi VCK U23 châu Á và cuối cùng khép lại với đội tuyển Olympic ở Asiad 2022. Tính sơ sơ, đã có gần 20 trận đấu quốc tế. Với một lịch thi đấu chuyên biệt như vậy, sẽ không còn chuyện nhập nhằng giữa đội lớn và đội trẻ. Cũng sẽ không còn lý do nào để khước từ các cơ hội được thi đấu trên đội tuyển quốc gia của nhóm cầu thủ U22, sau khi họ đã trải qua những đấu trường giàu tính cạnh tranh và có chất lượng như vậy, nhất là trong bối cảnh đội tuyển sẽ không thi đấu suốt từ sau khi kết thúc vòng loại World Cup 2022 (cuối tháng 3) cho đến trước AFF Cup 2022 (chưa xác định). Nói đúng hơn, nếu không xây dựng được một đội tuyển mới trẻ trung hơn trong năm 2022, đó sẽ là một thất bại.
Quả bóng bây giờ nằm trong chân VFF. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với thế hệ cầu thủ U23 trong năm nay sau khi HLV Park kết thúc nhiệm vụ ở đội trẻ tại SEA Games 31? Và dù ông Park hay bất cứ HLV mới nào, vấn đề đáng quan tâm là làm sao tạo ra được một sự liền mạch về quan điểm nhân sự, tư tưởng chiến thuật và độ rộng mở của cánh cửa lên tuyển cho các cầu thủ trẻ? Trên thực tế, trong tay HLV Park vẫn là một đội tuyển có tuổi trung bình rất đẹp, vẫn là thế hệ được xem là tài năng nhất từ trước đến nay, chưa kể còn bổ sung thêm các nhân tố giàu kinh nghiệm khác từ sân chơi V-League. Công cuộc trẻ hóa của đội tuyển trong năm 2022 chính vì thế vừa thuận lợi mà cũng đầy thách thức cho VFF cũng như người kế nhiệm ông Park ở U23.
Ý kiến bạn đọc (0)