Mưu sinh từ... rác
BẮC GIANG - Trên “núi” rác ngập ngụa, chất chồng rác cũ, rác mới, ngày nắng thì mùi hôi thối cộng với sức nóng và khói từ lò đốt rác tỏa ra nồng nặc; mưa thì nước chảy ra lênh láng, đọng thành vũng. Ấy vậy mà hằng ngày vẫn có hàng chục lao động miệt mài mưu sinh ở nơi này. Bất chấp rủi ro, với họ, rác là “nguồn sống” để cải thiện cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học nên người.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt
Bãi chôn lấp rác của thị xã Việt Yên nằm trên địa bàn phường Bích Động, cạnh Xí nghiệp gạch Bích Sơn cũ, mỗi ngày, có cả trăm tấn rác sinh hoạt được đưa về đây xử lý. Khối lượng rác lớn, lại chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp nên không khí khu vực này thường xuyên ô nhiễm. Đi cách vài trăm mét vẫn thấy mùi hôi thối của rác phả vào không khí, càng gần mùi càng khó chịu. Thế nhưng ở đây, hằng ngày vẫn có nhóm 5-6 phụ nữ bất chấp thời tiết mưa nắng và bầu không khí ô nhiễm, lặn lội đào bới rác để tìm phế liệu.
Những phụ nữ bới rác tìm phế liệu tại bãi rác thị xã Việt Yên. |
Vào khu xử lý sau những ngày thời tiết bị ảnh hưởng của cơn bão số 2, không khí ẩm thấp càng làm mùi hôi thối từ rác thêm nồng nặc. Nhưng quan sát vẫn thấy một nhóm 4-5 phụ nữ, đầu đội nón lá, cúi mặt xuống đống rác cao ngập đầu, một tay cầm liềm thoăn thoắt đào bới, nhặt nhạnh vỏ chai nhựa, lon bia, bao ni-lông… bỏ vào chiếc bao tải ở tay kia. Quần áo ai nấy ướt sũng mồ hôi.
Sau một hồi miệt mài đào bới lượm nhặt phế liệu từ đống rác mà xe môi trường thu gom về để chôn lấp, một người phụ nữ gầy gò kéo chiếc bao tải căng phồng “chiến lợi phẩm” còn to hơn người xuống nơi tập kết phế liệu của mình ở chân bãi. Thấy người lạ, bà ngại ngùng quay đi không muốn tiếp chuyện: “Cô hỏi làm gì, cái nghề vất vả, hôi hám chả giống ai, không có việc gì khác mới phải làm thôi”. Sau một hồi thuyết phục, bà mới trải lòng. Bà cho biết tên là Phạm Thị Tuấn, năm nay 64 tuổi, người ở thôn Bãi Bằng, xã Minh Đức gần đây; có thâm niên bới rác nhặt phế liệu đã hơn chục năm.
Bà Tuấn kể, trước cũng có nhiều người đến bãi nhặt phế liệu, giờ thì chỉ còn 5 người, trong đó có bà. Trong nhóm, người trẻ nhất cũng hơn 50 tuổi, già nhất gần 70 tuổi. Bà Tuấn và một người nữa ở cùng thôn, còn 3 người khác đều ở xã Trung Sơn cùng ở thị xã Việt Yên. Họ đều làm nông nghiệp, mỗi nhà có vài sào, nhiều thì cả mẫu ruộng. Trước khi đến đây làm, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề gì khác nên mới đi bới rác tìm phế liệu, mong kiếm thêm tiền chi tiêu trang trải cuộc sống.
Công việc tìm phế liệu trong rác bắt đầu từ sáng sớm đến cuối chiều, bất kể mưa nắng, trừ khi có việc bận hoặc ngày Chủ nhật, xe chở rác nghỉ thì họ mới nghỉ. Kể cả thời điểm dịch Covid-19, họ vẫn đến bãi làm bình thường. Phế liệu nhặt được, cuối ngày có người đến tận nơi thu mua. Thường mỗi ngày, họ kiếm được khoảng 200-300 nghìn đồng, bữa nào gặp may có thể nhiều hơn. Nhờ bán phế liệu, những người phụ nữ này có tiền mua thức ăn, chi tiêu trong gia đình hằng ngày, thậm chí còn nuôi được con cái ăn học thành người. Như bà Tuấn còn nuôi được cô con gái học đại học, nay đã có việc làm ổn định.
Bởi vậy, dù công việc nhọc nhằn, hôi hám, nhưng nhóm phụ nữ này vẫn chưa ai có ý định bỏ “nghề”. Thậm chí có gia đình, mấy chị em cùng làm nghề này. Như hai chị em bà Hà Thị Mai và Hà Thị Hoa ở xã Trung Sơn. Hiện bà Mai đang làm cùng nhóm bà Tuấn. Còn bà Hoa (em bà Mai) trước cũng nhặt rác tại đây, nhưng cách đây mấy năm đã chuyển ra ngoài. Bà Hoa có người chồng khuyết tật nên vay mượn sắm một chiếc xe ba bánh tự chế, nhận thu gom rác mỗi tuần 1 lần cho thôn. Lúc rảnh, hai vợ chồng bà lại chạy xe đến những khu tập kết rác ở các xã lân cận nhặt phế liệu. Bà Hoa bảo, làm nghề này tuy cực nhọc và mất vệ sinh nhưng cũng giúp họ có cuộc sống ổn định hơn. Với họ, nghề nhặt rác như đi câu, hôm được nhiều, hôm được ít. Ngày ít, họ cũng kiếm được tiền để mua thực phẩm cho bữa ăn gia đình tươm tất hơn.
Bệnh tật, rủi ro rình rập
Để bảo vệ sức khỏe, quá trình làm việc ở bãi rác, bà Tuấn và các phụ nữ khác đều tự trang bị ủng, găng tay cao su, khẩu trang... Thỉnh thoảng, họ lại rủ nhau đi khám sức khỏe. May mắn là đến giờ chưa phát hiện ai trong số họ bị mắc các bệnh nghiêm trọng, nhưng các bệnh về đường hô hấp thì khó tránh khỏi. Quá trình làm việc, không ít người còn bị thương vì mảnh sành, mảnh thủy tinh vỡ, vật sắc nhọn lẫn trong rác…
Toàn tỉnh mỗi ngày phát sinh gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt. Thực hiện công việc thu gom, xử lý rác có hơn 170 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường. Theo đó, hằng ngày, hằng giờ có cả nghìn lao động phải làm việc cùng rác. Công việc này không chỉ giúp cuộc sống của gia đình họ ổn định hơn mà còn góp phần thu gom tái chế phế liệu, làm giảm ô nhiễm (nhất là từ rác thải nhựa), giúp môi trường sống trong lành hơn. |
Tại bãi rác của thị trấn Vôi (Lạng Giang) hằng ngày có nhóm khoảng 10 người ở thị trấn và các xã lân cận như An Hà, Xương Lâm, Tân Hưng… đến làm việc. Bãi rác thị trấn hình thành nhiều năm nay, là nơi thu gom, tập kết rác không chỉ của thị trấn mà cả một số địa bàn lân cận. Lượng rác được thu gom đưa về đây xử lý hằng ngày rất lớn, lò đốt vì thế luôn quá tải. Rác tồn lưu tại bãi lúc cao điểm lên tới vài chục nghìn tấn.
Khác với nhóm của bà Tuấn, những người đang làm việc tại đây là lao động được Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường thị trấn Vôi ký hợp đồng thời vụ để thực hiện việc thu dọn và đốt rác. Không ít người trong đó đã làm việc tại đây nhiều năm liền. Ngày nắng thì mùi hôi thối từ hàng chục nghìn tấn rác tồn lưu, cộng với sức nóng và khói từ lò đốt rác tỏa ra nồng nặc, cách xa gần km vẫn thấy mùi. Mưa thì nước từ bãi rác rỉ ra, từ rác mới thu gom về chảy ra lênh láng, đọng thành vũng.
Công việc vất vả, ô nhiễm, độc hại là thế nhưng chế độ đãi ngộ với những người làm công việc thu gom, xử lý rác thải rất eo hẹp. Người làm lâu năm, lương cao nhất mới được hơn 6 triệu đồng/tháng, còn trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/ người/tháng và đều không có bảo hiểm y tế. Bà Đỗ Thị Mai (SN 1963) ở thôn 3, xã Xương Lâm (Lạng Giang) là một trong số đó. Hoàn cảnh của bà Mai rất khó khăn, vợ chồng ly hôn từ năm bà 38 tuổi, một mình nuôi hai con. Người con trai lớn mắt kém, không có nghề nghiệp ổn định. Con trai thứ, năm 2017 không may mất do tai nạn. Cô con dâu làm nghề thu gom rác cùng mẹ. Bao năm nay, nguồn sống chính của mấy mẹ con bà cháu họ vẫn chủ yếu nhờ vào bãi rác.
Anh Hà Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường thị trấn Vôi cho hay: “Biết hoàn cảnh gia đình bà Mai như vậy nên HTX bố trí cho mấy mẹ con bà ấy ở luôn trong ngôi nhà bảo vệ, làm nơi nghỉ ngơi tạm của nhân viên để tiện việc mưu sinh. Ngoài ra, HTX cũng hỗ trợ tiền điện nước sinh hoạt hằng ngày; trang bị cho bà Mai và các công nhân khác thiết bị bảo hộ lao động như khẩu trang, xe rùa, găng tay, ủng cao su… ".
Làm công việc độc hại, hằng ngày phải tiếp xúc với rác bẩn cùng đủ loại vi khuẩn mang mầm bệnh, phải thường xuyên hít thở bầu không khí ô nhiễm, nên những người bới rác nhặt phế liệu hay thu gom, xử lý rác luôn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro bệnh tật, tai nạn rình rập như dẫm phải mảnh chai, mảnh sành, sắt thép han rỉ, bơm kim tiêm của người nghiện... Ví như ở bãi rác thị trấn Vôi, do lượng rác thu gom về có nhiều vỏ hoa quả thối, thu hút ong, ruồi muỗi đến nên quá trình làm việc tại đây, bà Mai và những người cùng làm không ít lần bị ong đốt sưng vù tay chân, mặt mũi…
Bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1962) ở xã Xương Lâm làm cùng bà Mai khoảng 5-6 năm nay chia sẻ: “Biết làm việc cùng rác độc hại nhưng chúng tôi ngoài làm ruộng chả biết làm nghề gì khác. Có lúc, tôi tính xin đi rửa bát thuê, nhận trông trẻ… nhưng thấy những việc này bấp bênh, nguồn thu không đều lại không phù hợp nên thôi”. Tiền bà Liễu kiếm được nhờ làm ở bãi rác giờ chủ yếu để nuôi cậu con trai út học cao đẳng, mỗi tháng vài triệu đồng.
Những người đang mưu sinh cùng rác mà tôi tiếp xúc, dù chưa thấy ai mắc bệnh nguy hiểm nào nhưng tương lai thì khó đoán định. Công việc vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng với họ, đây vẫn là công việc chính đáng, có thu nhập giúp gia đình họ cơm ăn áo mặc, lo cho con cái học hành với hy vọng các con sẽ có tương lai tươi sáng hơn.
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)