Muôn cách ứng phó thiếu điện
Chủ động trong sinh hoạt, sản xuất
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về cung ứng điện, ngay trong ngày đầu áp dụng phương án cấp điện mới, người dân trong tỉnh có nhiều biện pháp ứng phó khi bị ngừng cấp điện. Thấy phương tiện thông tin đại chúng đăng tải việc điều chỉnh phương án cung cấp điện, từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Huân, tổ dân phố Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã chuẩn bị các phần việc. Vừa bán lẩu, cơm bình dân song mùa này khách chủ yếu dùng cơm nên ngay khi thức dậy, chị vo gạo, nấu cơm rồi ủ để đến trưa cơm vẫn nóng, ấm dù có bị mất điện.
Gia đình ông Hoàng Văn Thái sử dụng máy phát điện để quạt thông gió tại khu chuồng nuôi gà bố, mẹ. |
Chị Huân chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày, cửa hàng cung cấp khoảng 50 suất ăn cho công nhân ở trọ gần đó. Ngày trước, tôi lau dọn bàn ghế, sàn nhà rồi mới sửa soạn thực phẩm, nấu nướng nhưng giờ đây là phải cắm cơm xong mới làm việc khác”.
Cũng mở dịch vụ hàng ăn, vợ chồng chị Đỗ Thị Hân, thị trấn Nếnh không chỉ bán cơm cho khách ăn tại cửa hàng mà còn nhận giao cho công nhân ở nơi khác. Mỗi ngày với khoảng 200 suất, gia đình chị phải thuê người phụ và mua bếp nấu cơm công nghiệp. Theo chị Hân, bếp này khi mất điện có thể dùng gas để đun nhưng chi phí đắt gấp đôi so với nấu điện. Ngoài sử dụng gas, chị cũng thuê máy phát điện dự phòng. Chị Hân nói: “Thêm nhiều chi phí hơn để nấu ăn khi mất điện nhưng không vì thế mà chúng tôi tăng giá bán suất cơm”.
Gia đình ông Hoàng Văn Thái, tổ dân phố Hoành Sơn, thị trấn Vôi (Lạng Giang) là hộ chuyên nuôi gà bố mẹ và ấp gà giống quy mô lớn. Mỗi tháng cho ra lò khoảng 30 nghìn con gà giống để cung cấp cho người chăn nuôi ở các huyện Lạng Giang, Yên Thế và tỉnh Hải Dương. Do nuôi với quy mô lớn nên vào những ngày nắng nóng, gia đình ông thường xuyên phải bật quạt thông gió để bảo đảm chuồng nuôi thông thoáng. Nếu không có quạt thông gió, gà có thể chết hàng loạt do nhiệt độ trong chuồng tăng cao.
Ông Thái cho biết, điện không ổn định, gia đình phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy phát điện công suất lớn để sử dụng khi mất điện. Việc sử dụng thường xuyên hai máy phát chi phí rất tốn kém, cứ 8 tiếng mất 2 triệu đồng tiền dầu. Mức chi phí này khiến lợi nhuận chăn nuôi của gia đình bị ảnh hưởng nhưng bù lại vẫn duy trì được hoạt động ấp nở gia cầm, giữ khách hàng, cung cấp cho nhu cầu người dân.
Bổ sung máy phát, sắp xếp lại lao động
Ngoài chủ động thời gian sử dụng phụ tải điện thì hiện nay người dân dùng các thiết bị tích điện như quạt, máy phát như hộ ông Thái trên địa bàn tỉnh cho sản xuất, sinh hoạt rất lớn.
Nhiều người dân mua máy phát điện trên đường Xương Giang (TP Bắc Giang). |
Sáng 6/6, tại hầu hết các cửa hàng bán đồ tích điện tại đường Xương Giang (TP Bắc Giang) nhiều người xếp hàng chờ mua máy phát, quạt tích điện, có người còn không mua được vì hết hàng. Giá bán máy phát điện dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/chiếc (tùy loại) song đa phần người dân mua máy có giá từ 6-10 triệu đồng.
Được biết, trong ngày 6/6, nhiều khu vực dân sinh đã bị ngừng cấp điện để bảo đảm toàn bộ 100% DN trong khu, cụm công nghiệp đều có điện sản xuất. Các DN đều tranh thủ thời gian có điện, tập trung sản xuất với công suất cao nhất.
Ông Trần Văn Nam, cán bộ quản lý về kỹ thuật an toàn môi trường của Công ty TNHH SeoJin Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Song Khê - Nội Hoàng cho biết: “Ứng phó với tình trạng thiếu điện, hiện nay DN đã thuê thêm 8 máy phát điện công suất lớn để duy trì hoạt động ổn định của các dây chuyền. Đặc biệt, Công ty còn sắp xếp, bố trí tăng nhân lực vào các dây chuyền cần xuất hàng trước để bảo đảm đơn hàng đã ký với đối tác. Ví như ở dây chuyền sản xuất lò nướng, vỏ máy phát điện, tủ pin dùng cho máy công nghiệp, Công ty bố trí khoảng 800 công nhân làm việc ở mỗi dây chuyền, tăng 400 lao động so với một tuần trước”.
Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê - Nội Hoàng tăng nhân lực làm việc khi có điện. |
Theo Công ty Điện lực Bắc Giang với phương án cắt điện như trên cũng đã gây ảnh hưởng, tác động đến nhiều DN, người dân nhưng qua tính toán đây là phương án tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, thời gian qua ít mưa, mực nước các hồ rất thấp, thậm chí nhiều hồ thuỷ điện ở miền Bắc dưới mực nước chết, thấp nhất trong 100 năm qua. Nguồn cung thiếu, phụ tải điện của người dân, DN trong những ngày nắng nóng tăng rất cao nên nếu không điều tiết sẽ gây ra hệ lụy lớn về lưới điện.
Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, ngày 6/6, hàng chục đơn vị đã gửi bản đăng ký về Ban để làm đêm từ 0-5 giờ. Đơn vị đang sắp xếp, phối hợp với ngành điện, ưu tiên DN có đơn hàng gấp trước.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang thông tin: “Phương án vận hành điện ở thời điểm đầu còn nhiều vấn đề cần tính toán thêm song khó nhất hiện nay là cấp điện cho những DN không nằm trong khu, cụm công nghiệp. Cùng đó, một số dây chuyền của DN không thể vận hành ban ngày, đêm nghỉ. Tiếp thu những đề xuất, khó khăn của DN đối với phương án cấp điện hiện nay, Công ty Điện lực Bắc Giang cũng đang nghiên cứu phương án để có cách cấp điện tốt nhất”.
Cùng với biện pháp trên, Công ty Điện lực Bắc Giang khuyến cáo DN, người dân tăng cường tiết kiệm điện, chung tay cùng ngành điện vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trường Sơn - Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)