Mùa vải thiều năm 2023: Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều thuận lợi
Quảng bá ấn tượng
Trong tháng 6, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải clip livestream dẫn chương trình của NSƯT Xuân Bắc tại lễ khai mạc du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín 2023”. Livestream nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng, thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác. Riêng trang Fanpage của Báo Bắc Giang thu hút gần 200 nghìn lượt xem. Sở dĩ như vậy là trong clip có sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng với cách kể chuyện dí dỏm, hài hước, tạo cảm giác hứng khởi, lôi cuốn khán thính giả.
Các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội Tiktok livestream bán vải thiều Lục Ngạn. |
Với lượt tiếp cận lớn của người dùng internet đối với clip đã góp sức quảng bá, lan toả hình ảnh vải thiều khắp muôn nơi. Trước đó, một sự kiện lần đầu tiên diễn ra là show diễn thời trang chủ đề tôn vinh vải thiều Bắc Giang tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn). Với những bộ trang phục thiết kế lấy cảm hứng về quả vải tạo xu thế thời trang trẻ trung, mới mẻ giúp du khách cũng như bà con trong vùng thích thú, nô nức đến chiêm ngưỡng dù thời tiết nắng nóng cao điểm.
Đồng hành cùng với các địa phương, bà con trồng vải, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch, UBND tỉnh tổ chức chiến dịch quảng bá du lịch với chủ đề: "Bắc Giang đa sắc" có sự đồng hành của hơn 70 người sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đến từ các vùng miền trên cả nước. Đây là một chiến dịch mang tính toàn diện khi "Bắc Giang đa sắc" kể những câu chuyện đặc sắc về Bắc Giang thông qua cảm nhận thực tế của các nhà sáng tạo, từ đó truyền cảm hứng cho công chúng về điểm đến du lịch Bắc Giang.
Một trong những hoạt động để lại dấu ấn đối với vải thiều là chương trình “Chợ phiên OCOP” trên TikTok shop - Khám phá đặc sản tỉnh Bắc Giang đã có 4,5 triệu lượt xem. Trong 4 giờ livestream, những nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, với gần 1,7 triệu lượt xem. Qua đó bán được 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải thiều.
Bên cạnh đó, khai thác lợi thế của thương mại điện tử (TMĐT), Sở Công Thương hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, hộ kinh doanh tham gia quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên các nền tảng, sàn TMĐT lớn trong nước.
Doanh thu ước tăng so với năm 2022
Từ những hoạt động trên cho thấy, xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay có sự đổi mới mạnh mẽ nên du khách đến vùng vải tăng mạnh. Tại huyện Lục Ngạn, khách đến tham quan đạt hơn 200 nghìn lượt người, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Nông dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều. |
Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Phòng Văn hóa huyện cho biết: “Khách đến vườn đều mua sản phẩm mang về, có đoàn mua đến hơn 1,3 tấn quả tươi. Bước đầu cho thấy, du lịch mùa vải đã có khởi sắc, tiền đề cho định hướng đưa chợ về vườn, tạo thuận lợi hơn cho bà con trồng vải tiêu thụ sản phẩm”.
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 170 nghìn tấn vải thiều, đạt khoảng 96% tổng sản lượng, phần còn lại tập trung ở một số xã trên đèo của huyện Lục Ngạn, dự kiến thu hoạch vải kết thúc vào cuối tháng 7. Đến nay, chưa có số liệu đánh giá cụ thể về mùa vải nhưng nhận định chung doanh thu vải thiều năm 2023 tăng so với năm ngoái. |
Chính quyền địa phương có vải chủ động vào cuộc tích cực, cộng với việc đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các đối tác nước ngoài, tăng cường quan hệ với chính quyền các địa phương giáp biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu vải thiều.
Ngoài tiêu thụ ở các thị trường truyền thống, vải thiều tiếp tục chinh phục thị trường cao cấp, khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, EU… Sản lượng xuất khẩu đạt gần 100 nghìn tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng.
Điểm mới là năm nay công nghệ bảo quản vải thiều đã có sự cải thiện đáng kể, kéo dài thời gian bảo quản vải tươi từ 25 ngày lên 35 ngày, hỗ trợ đắc lực cho chuyến hàng xuất khẩu vải thiều vào Hoa Kỳ bằng đường biển, đúng dịp nước này tổ chức Ngày Quốc khánh 4/7.
Quả vải Bắc Giang được bày bán tại Siêu thị Safeway (Hoa Kỳ). |
Đến nay, chưa có số liệu đánh giá cụ thể về mùa vải nhưng nhận định chung năm nay, doanh thu vải thiều tăng so với năm ngoái (năm 2022 đạt hơn 4,4 nghìn tỷ đồng); sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, nhất là thị trường Trung Quốc. Do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều thương nhân Trung Quốc đã sang được tận vùng sản xuất, phối hợp với thương nhân trong nước để đặt hàng, thu mua nông sản cho người dân. Giá bán cũng được người trồng vải cho biết tăng cao hơn so với vụ trước.
Lấy chất lượng vượt trội là đặc trưng riêng có
Một sự nỗ lực rất lớn của Bắc Giang trong mùa vải này phải kể đến là đưa 56 tấn vải thiều tiêu thụ qua Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang). Thế nhưng, việc vận chuyển vẫn còn trở ngại, đó là các thủ tục về hải quan, kiểm dịch thực vật được hỗ trợ thực hiện tại ga Kép nhưng đến cửa khẩu Lạng Sơn phía Trung Quốc vẫn yêu cầu kiểm dịch lại.
Điểm thu mua vải chế biến của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn). |
Chuyến hàng đầu tiên sang Trung Quốc bằng đường sắt không mấy dễ dàng. Cùng đó, một số thời điểm giá vải thiều xuống thấp; có nơi điện lưới cấp không ổn định do tình trạng thiếu nguồn chung của cả miền Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất vật tư phục vụ mùa vải.
Mùa vải thiều sắp khép lại, Bắc Giang lại thêm bài học kinh nghiệm trong xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm từ thực tiễn phát sinh. Đường sắt được kỳ vọng mở ra kênh vận tải mới cho tiêu thụ vải thiều. Qua chuyến xuất khẩu vải thiều đầu tiên bằng đường sắt cho thấy, vấn đề cần quan tâm, khắc phục để đón những mùa vải tiếp là khâu kiểm dịch thực vật phải đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc.
Ngành Nông nghiệp phối hợp, có thể đề xuất thành lập Đội nghiệp vụ Kiểm dịch thực vật ga Kép bảo đảm sát thực, khai thác tối đa lợi thế. Sự sáng tạo trong xúc tiến, quảng bá vải thiều ở vụ này đã có sức lan toả, tạo hiệu ứng tích cực, không chỉ quảng bá vải thiều mà cả các sản phẩm khác của tỉnh. Kinh nghiệm, cách làm này cần tiếp tục nhân rộng những năm sau.
Tuy nhiên, dù giải pháp nào, cách thức nào thì yếu tố cốt lõi nhất mà Bắc Giang luôn chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán đối với vải thiều là lấy chất lượng vượt trội là đặc trưng riêng có, cần phát huy, là yếu tố sống còn của sản phẩm, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)