Mối tình thời chiến của nữ du kích Xô viết và viên sĩ quan Đức Quốc xã
Mối tình “so le”
Theo cuốn “Tình hữu nghị quý hơn tất cả” (Nhà xuất bản Noĭes Leben, 1967), Otto Adam là người gốc vùng Leipzig (Đức). Chia tay vợ Dora và con gái nhỏ Rita ở thị trấn quê nhà Lansburg, Trung úy Adam được điều đến Mặt trận phía Đông (Liên Xô).
Tình trạng hôn nhân đã không ngăn được viên sĩ quan Đức Quốc xã có cảm tình với cô phiên dịch trẻ Maria Vasilyeva (gọi thân mật là Masha) có đôi mắt màu trứng sáo và hai bím tóc gọn gàng - người mà trong thời gian quê hương bị chiếm đóng, đã tự nguyện làm việc trong Sở Chỉ huy của quân Đức ở Rylsk (tỉnh Kursk).
Masha và Adam đến với nhau bất chấp chiến tranh và mọi rào cản. |
Câu chuyện về Otto và Masha phủ đầy những câu hỏi không có lời giải đáp. Các sử gia đưa ra nhiều giả thiết về việc làm quen, mối quan hệ và cái chết của họ vì trong thực tế, không ai biết đầu đuôi một cách chi tiết. Người ta nói rằng, chính mẹ Maria đã nguyền rủa cô vì hợp tác với bọn Đức xâm lược.
Bà không biết rằng Maria đang làm việc theo nhiệm vụ được chỉ huy du kích giao cho. Có lẽ lúc đầu người chỉ huy cũng không hình dung được cuộc sống bí mật của cô phiên dịch và Adam - người phụ trách kho vũ khí.
Bà Elizaveta Nikolaevna - mẹ của Maria - nhớ lại, mặc dù chênh lệch 15 tuổi, con gái bà và Otto rất hợp nhau, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi họ trở nên thân thiết.
Mỗi tối, Adam đưa Maria về nhà và nhiều lần viên Trung úy Đức này mời cô đến câu lạc bộ sĩ quan. Mối quan hệ giữa Maria và Adam đã không được chú ý bởi người dân địa phương cũng như bởi những “vị khách” người Đức, vì tất cả họ đều ghét Maria.
Bị dân vùng quê miệt thị và gọi là "con điếm của Đức", nhưng trong thâm tâm, Maria tự hào đã giúp ích cho Tổ quốc và yêu Adam, và về phần mình, Adam yêu cô, yêu nước Nga. Adam không tin vào chế độ của Hitler.
Đến Nga, chứng kiến những gì đang xảy ra trong các trại tập trung, lòng yêu nước Đức và khát khao chiến đấu trong anh đã hoàn toàn biến mất. Tình yêu của Maria và sự đồng cảm với người dân Xô viết đã cho viên sĩ quan Đức sức mạnh để sống và cho anh cơ hội để giúp họ.
Chiến sĩ du kích Otto
Không biết Maria đã mở lòng cho Adam vào thời điểm nào, nhưng chẳng bao lâu, họ không chỉ trở thành một cặp tình nhân, mà còn là cộng sự. Nhờ sự giúp đỡ của Adam, thông tin mà du kích cần có khi Maria làm việc trong Sở Chỉ huy Đức, như việc chuyển quân và đạn dược…, đã được thu thập, xử lý và chuyển cho Moscow.
Sau khi giải phóng Kursk, Masha được giao nhiệm vụ tìm hiểu Bộ chỉ huy Đức sẽ chuyển những sư đoàn nào đến Mặt trận Trung tâm. Kế hoạch chiến dịch Kursk nổi tiếng lúc đó đang được soạn thảo, phía Liên Xô cần thông tin chính xác.
Maria bị bắt quả tang sao chép tài liệu sau khi tên chỉ huy đã nghi ngờ và theo dõi từ lâu. Gã nham hiểm này đã ra lệnh cho Adam đưa Masha đến Gestapo để bắt giữ và thẩm vấn.
Để cứu người yêu, Adam quyết định giết tên chỉ huy và cùng Masha chạy sang phía du kích, khi đó do Afanasy Yakovlevich Sinegubov chỉ huy. Viên cựu sĩ quan Đức đã bị kiểm tra, thử thách trong một thời gian dài.
Sau khi từ Moscow có tin Adam ủng hộ Cộng sản ở quê nhà và chú của anh ta - một đảng viên của Đảng Cộng sản Đức, đang ngồi trong một trại tập trung - Otto được coi là người “bên mình”.
Otto Adam - người mà quân Đức tuyên bố thưởng 15.000 mark và 1 con bò cho ai lấy được đầu, đã trở thành thành viên của biệt đội du kích. Otto được gọi là "du kích Đức", còn anh ta gọi Masha là "Mùa xuân” của tôi.
Họ mơ ước sau chiến tranh đến Moscow để học tập, làm việc và sinh ba đứa con trai. Masha dự định trở thành một bác sĩ, còn Otto mơ ước được xây dựng những cây cầu, giống như cha mình...
Adam thường đi làm nhiệm vụ cùng với Masha. Theo cuốn “Dưới một ngọn cờ” (do A. V. Belanovsky biên tập), một lần Adam ở lại với Maria qua đêm và viết truyền đơn cho đến sáng mà không chịu ngả lưng.
Các chiến dịch ở hậu phương địch của đôi uyên ương thành công là nhờ kiến thức tiếng Đức và quân phục quân đội Đức của Adam. Họ không còn che giấu cảm xúc của mình.
Trong biệt đội, họ được gọi là cô dâu chú rể và các đồng chí đã cố gắng để họ bên nhau khi có cơ hội.
Cái chết của những người đang yêu
Tuy nhiên, thời gian hoạt động du kích của Otto Adam và Maria Vasilyeva không dài. Phát xít Đức đã tìm kiếm các trinh sát của du kích trong hơn một tháng.
Như Semyon Borzunov viết trong cuốn “Vai kề vai”, rạng sáng ngày 25/3/1943, cảnh sát Đức đã bao vây Masha và Adam gần làng Zvanoye, quận Glushkovsky.
Lính Đức đã rượt đuổi họ trong rừng, nhưng không bắn - mệnh lệnh nghiêm ngặt được đưa ra - “bắt sống”. Otto bắn trả cho đến khi chỉ còn hai viên đạn cuối cùng - dành cho mình và Maria.
Tuy nhiên, theo một nguồn khác, du kích Vladimir Fomich nhớ lại - ông, Maria và Adam đi trinh sát trở về, bị bắn nhiều. Họ đã chống trả, hết đạn, chỉ còn một quả lựu đạn.
Khi họ dừng lại để ăn, mùa liễu đang ra chồi, Adam đã bẻ một cành tặng Masha. Không ngờ họ rơi vào ổ phục kích. Adam đã đưa cho ông một quyển sổ ghi chép số liệu tình báo được mã hóa và ra lệnh khẩn trương mang nó về đội; anh ta và Masha sẽ gìm chân bọn Đức.
Khi bọn phát xít đến gần, ông chỉ nghe giọng Adam - “Mùa xuân”, “Chúng ta mãi mãi cùng nhau”, và trả lời của Maria “Cùng nhau”. Maria ôm choàng lấy cổ Adam và lựu đạn nổ. Ông chỉ nhìn thấy anh chớp và sau đó là yên lặng…
Chuyện tình và cuộc đời của Masha và Adam đã trở thành chủ đề nóng của văn học nghệ thuật và báo chí. |
Các du kích quân đã tìm thấy thi thể đôi uyên ương nằm bên nhau (tuy nhiên, có một nguồn thông tin khác là con gái và chồng chưa cưới người Đức của cô đã được phát hiện bởi bà mẹ của Maria). Otto Adam và Maria Vasilyeva đã được mai táng cùng nhau trong một mộ.
Trên vùng đất Kursk, gần làng Zvannoye, đến nay vẫn có thể nhìn thấy mô đất cao trên một ngọn đồi với một bia đá granit khắc dòng chữ: "Nơi đây, các du kích dũng cảm Masha Vasilyeva và Otto Adam yên nghỉ".
Từ những năm 1950, nhờ các nhà nghiên cứu, bằng cách sử dụng một bức ảnh cha mẹ mà viên cựu Trung úy Đức để lại đăng trên báo chí Liên Xô và được đăng lại bởi các tờ báo Đức, cùng vở kịch về mối tình thời chiến éo le này, người ta đã tìm được gia đình của Adam.
Trong kho lưu trữ lịch sử chính trị - xã hội tỉnh Kursk có một bức thư của mẹ Masha gửi cho mẹ Adam ở Đức.
Bà đã mời người phụ nữ Đức chưa từng quen biết đến thăm ngôi mộ chung của hai đứa con của họ ở làng Glushkovo - nơi cô du kích được sinh ra, nói rằng, họ mãi mãi đoàn kết bởi có chung một điều - các con của họ đã hiến dâng cuộc sống của mình cho tự do.
Bà Chita Adam đã nhiều lần đến thăm mộ con trai ở Nga. Để phần nào an ủi người mẹ già cô đơn, người đứng đầu dòng họ đã dựng một tượng đài bằng đá cẩm thạch trắng trong khu mộ của dòng họ, có hình một người đàn ông và một người phụ nữ - cô du kích Nga và viên sĩ quan Đức.
Đầu của người đẹp tóc dài tì lên vai người yêu, một tay cô ôm chàng trai trẻ, và tay kia nắm một quả lựu đạn. Trên tấm biển bằng đồng bên cạnh có khắc dòng chữ “Dành cho tình yêu trong sáng của Masha Vasilyeva và Otto Adam. 1941-1943".
Với công lao và hành động anh hùng, cả Masha và Adam đều không nhận được bất kỳ danh hiệu hay huy chương Nhà nước nào, nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với những người yêu nước là được lưu danh.
Sau chiến tranh, chuyện tình dang dỡ thời binh lửa này không những được báo chí ca ngợi mà còn được viết thành truyện ngắn và kịch.
Vở kịch "Trên vòng cung Kursk" lấy cảm hứng từ cuộc đời cô du kích làng Glurskovo của Oleg Vasiliev đã được lưu diễn không chỉ ở Kursk mà tại tất cả nhà hát của nước Nga, và cả ở nước ngoài.
Trong bảo tàng địa phương cũng có một khu tưởng niệm chiến công và câu chuyện tình bi tráng bất chấp chiến tranh, bất chấp biên giới, bất chấp địa vị xã hội và chủng tộc của những người mà cuộc đời và cái chết của họ đã trở thành biểu tượng của danh dự, lòng can đảm và sự hy sinh.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc (0)