Mỗi thôn, bản một mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều
Sơ chế vải thiều tại HTX Sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang. |
Hiệu quả rõ nét
Trước khi bước vào vụ thu hoạch vải thiều năm nay, Chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều xã Đèo Gia được thành lập; bên cạnh đó tại 7 thôn cũng hình thành 7 tổ liên kết. Ông Lâm Văn Sơn, Chi hội trưởng cho hay: “Sau khi thành lập, chúng tôi đã thống nhất quy chế hoạt động. Theo đó, các hộ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và cách ly đúng thời gian quy định.
Hội Nông dân xã làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đưa các loại phân bón bảo đảm tiêu chuẩn về địa phương, hạn chế được việc sử dụng phân bón trôi nổi”. Khi tham gia vào tổ liên kết, thành viên trong tổ tự chia lịch đi tuần bảo vệ vườn đồi, đổi công giúp nhau thu hoạch vải thiều. Với cách làm trên, chi phí sản xuất giảm đáng kể.
Vụ vải thiều năm nay, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) ký hợp đồng thu mua hơn 100 tấn vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của các tổ liên kết, nhóm sản xuất ở xã Hồng Giang, Giáp Sơn để đưa vào hệ thống siêu thị BigC và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Hà Nội với giá từ 60 - 80 nghìn đồng/kg. Sự góp mặt của các tổ liên kết, nhóm sản xuất phần nào giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong ký kết hợp đồng, hạn chế được thời gian lọc, lựa quả vải.
Theo ông Bùi Xuân Sinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, đến nay toàn huyện đã thành lập 30 chi hội ở 30 xã, thị trấn, 351 tổ liên kết ở 374 thôn, bản về sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Qua sự liên kết này, các HTX, doanh nghiệp có đầu mối đặt hàng khi thu mua, không phải đi từng hộ ký hợp đồng. Nhờ cơ chế giám sát của HTX, chi hội, tổ liên kết, việc chăm sóc vải thiều dần được "chuẩn hóa". Đặc biệt, tham gia liên kết, các gia đình hội viên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả.
Khuyến khích thành lập các mô hình liên kết
Đến năm 2020, huyện Lục Ngạn phấn đấu vận động 80% hộ nông dân gia nhập các chi hội, tổ liên kết và trực tiếp tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 về việc xây dựng Lục Ngạn thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia, cuối năm 2016, Huyện ủy Lục Ngạn chỉ đạo các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình, tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.
Trao đổi với ông La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy được biết, mục tiêu trước mắt của huyện là mỗi thôn, bản thành lập ít nhất một tổ liên kết hoặc câu lạc bộ; mỗi xã thành lập một chi hội sản xuất và tiêu thụ nông sản, trước hết là vải thiều. Huyện ủy giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân huyện chủ trì. UBND huyện sẽ xem xét xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác, mô hình liên kết từ khâu sản xuất, chăm sóc, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm.
Tìm hiểu tại xã Hồng Giang, nhiều hộ dân thôn Kép 1 dù không thuộc các nhóm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng tham gia Chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều xã Hồng Giang, họ được chia sẻ kinh nghiệm nên đã ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Ông Giáp Văn Vang, thôn Kép 1 tâm sự: "Gia đình tôi không nằm trong diện được cơ quan chức năng cấp mã vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng nhờ học hỏi từ những hộ trong Chi hội, chúng tôi đã biết áp dụng phương pháp chăm sóc đúng chuẩn. Vì vậy việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi hơn rất nhiều".
Với sự liên kết này, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia chuỗi liên kết. Hiệu quả từ mô hình sẽ được huyện nhân rộng đối với các loại cây ăn quả khác như: Cam, táo, bưởi...
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)