Mở rộng thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế
Thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
Được biết, thời điểm này, bên cạnh duy trì đàn gà thương phẩm, các hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, bảo đảm nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hộ ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm là ví dụ.
Gà đồi Yên Thế được nhiều thương nhân trong và ngoài tỉnh thu mua, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. |
Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng của gia đình đang nuôi hơn 7 nghìn con gà theo quy trình an toàn sinh học, trong đó hơn một nửa là giống ri lai, còn lại là mía lai, ông Trung chia sẻ, mấy năm gần đây, nuôi gà khá thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định và ngày càng mở rộng. Với giá bán hiện nay 60-65 nghìn đồng/kg, cứ 1 nghìn con gà, ông thu lãi 30-35 triệu đồng. Như vậy, với 7 nghìn con gà, dự kiến thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Hộ ông Hoàng Văn Thạch, thôn Tân Kỳ (cùng xã) cũng đang tích cực chăm sóc khoảng 4 nghìn con gà ri lai theo quy trình an toàn sinh học. Vừa qua, ông bán hơn 2 nghìn con, thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Nhiều hộ dân ở các xã Đồng Kỳ, Tam Tiến, Tiến Thắng, Canh Nậu… nuôi gà ri lai thương phẩm cũng thu lãi 100-200 triệu đồng/lứa/năm.
Khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất vườn đồi rộng, thời gian gần đây nhiều hộ dân ở huyện Yên Thế tích cực đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Hộ nuôi ít vài trăm con, hộ nhiều lên đến 5-7 nghìn nghìn con/lứa. Tổng đàn gà toàn huyện luôn duy trì 4-4,5 triệu con, tập trung nhiều ở các xã Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Tiến, Đồng Tâm, Đông Sơn, Đồng Vương và Xuân Lương.
Do khẳng định được chất lượng, thương hiệu nên gà đồi không chỉ được tiêu thụ ổn định trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường khác, với giá bán từ 55-75 nghìn đồng/kg. Theo tính toán của UBND huyện, mấy năm gần đây, các hộ dân xuất bán khoảng 13-14 triệu con, doanh thu 1,3-1,5 nghìn tỷ đồng/năm, tăng so với trước đây.
Đặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, gà đồi Yên Thế được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, nhãn hiệu gà đồi Yên Thế được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước Lào, Trung Quốc và Singapore.
Chú trọng truy xuất nguồn gốc
Kết quả trên có được là do UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng chất cho sản phẩm gà đồi. Ông Vũ Trí Hải, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cho biết, xác định con giống tốt sẽ là yếu tố quyết định đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên giai đoạn 2016 -2020, huyện dành 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững.
Theo đó, thay vì nuôi giống gà mía lai hiệu quả thấp như trước, các hộ hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống ri lai, chế phẩm phun tiêu độc khử trùng và được tập huấn kỹ thuật nuôi gà theo quy trình VietGAHP. Ngoài ra, huyện hỗ trợ nâng cao chất lượng các cơ sở sản xuất con giống bảo đảm chất lượng...
Không những vậy, UBND huyện còn phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) lai tạo giống gà VP34 được hội tụ đầy đủ các phẩm chất cần có của gà đồi Yên Thế như: Khỏe, nhanh lớn, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon để nhân rộng.
Huyện khuyến khích thu hút đầu tư, thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chế biến, tiêu thụ giúp gà đồi Yên Thế vươn xa. Năm 2017, huyện tạo điều kiện cho HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế thành lập nhằm mục đích liên kết các hộ chăn nuôi theo chuỗi.
Kể từ khi thành lập, mỗi năm HTX ký hợp đồng chăn nuôi, cam kết tiêu thụ hàng trăm nghìn con gà cho các hộ với giá thu mua cao hơn so với giá thị trường, bảo đảm các hộ có lãi. Đổi lại, gia cầm được gắn đai chân, tem truy xuất nguồn gốc từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến đóng gói.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài nâng cao chất lượng con giống, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, nhiều năm nay UBND huyện còn tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm gà đồi. Tháng 9 vừa qua, huyện tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp, trong đó chủ đạo là tiêu thụ gà đồi.
Đây là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hộ chăn nuôi gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; thiết lập chuỗi liên kết chặt chẽ, ổn định giữa người chăn nuôi với thị trường.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)