Minh chứng phản bác các luận điệu bôi đen, miệt thị đất nước
Dịp kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3) năm nay, Việt Nam đón nhận những thông tin tích cực khi trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc của Báo cáo hạnh phúc thế giới 2024, Việt Nam đứng thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023.
Đây là bảng xếp hạng do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù chưa thể vươn lên top đầu nhưng chỉ số tăng đều qua các năm cho thấy kết quả đạt được rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta về đời sống vật chất, tinh thần, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng đều trong các năm qua. |
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn kiểu “mũ ni che tai”, phớt lờ không nghe, không thấy, tiếp tục bôi đen đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lấy cớ đả kích Đảng, Nhà nước “kéo lùi lịch sử”, “làm dân vất vả, cơ hàn”…
Nhận diện các luận điệu chỉ trích, bôi đen
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, nhằm đưa đất nước ta từng bước phát triển hùng cường, thịnh vượng. Đây là một mục tiêu cao đẹp, thể hiện quyết tâm của Đảng trong chăm lo đời sống nhân dân, là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, cho rằng chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Đại hội XIII của Đảng thông qua là “duy tâm, siêu hình”, là “chủ quan, nóng vội, duy ý chí”, chỉ là “ảo vọng viển vông, hão huyền”...
Trước tình hình đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, nhằm góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về con đường, mục tiêu, động lực phát triển đất nước.
Các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng, các báo, đài phản động ở nước ngoài để xuyên tạc quan điểm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong văn kiện của Đại hội, cho rằng đây là quan điểm duy tâm chủ quan, một khẩu hiệu trống rỗng, phản khoa học, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, rơi vào chủ quan, duy ý chí. Họ lồng ghép các nội dung vu cáo, xuyên tạc khác vào như phủ nhận lịch sử và thành quả đấu tranh cách mạng vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo khiến đất nước ngày càng yếu thế và lạc hậu so với các nước trên thế giới. Từ đó, họ viện dẫn, đưa ra những luận điểm vô căn cứ, xuyên tạc thực tiễn lịch sử để biện minh chế độ một đảng lãnh đạo là “sai lầm”, rằng nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì dân tộc ta không phải trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương như thế và “nếu không có Đảng Cộng sản thì Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các nước phát triển từ lâu”!
Hùa theo những luận điệu đó, số phần tử cơ hội, phản động, bất mãn chính trị trong nước đã tích cực móc nối với các thế lực bên ngoài đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc với nhiều hình thức khác nhau nhằm gây nên sự hoài nghi trong các tầng lớp nhân dân, kích thích tâm lý bi quan, chán chường của một bộ phận người dân; hạ thấp uy tín của Đảng, của đất nước trên trường quốc tế.
Những luận điệu xuyên tạc, kích động trên, dù được các thế lực thù địch, số đối tượng phản động và phần tử cơ hội tô vẽ, thêu dệt thế nào chăng nữa cũng không thể phủ nhận được tính cách mạng, khoa học của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nói chung, quan điểm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nói riêng. Đó là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, là nguyện vọng chính đáng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; được Đảng xây dựng trên cơ sở lý luận, thực tiễn.
Hiện thực hoá khát vọng đem lại hạnh phúc cho nhân dân
Hạnh phúc được hiểu là một giá trị văn hóa - xã hội mang tính phổ quát toàn nhân loại. Tại bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, cũng như trong bất kỳ thời đại lịch sử nào, hạnh phúc vẫn luôn là khát vọng vươn tới của con người. Hạnh phúc mang nội hàm vô cùng rộng lớn; trong mỗi thời điểm và mỗi con người theo từng hoàn cảnh khác nhau thì sẽ có nhu cầu và cảm nhận về hạnh phúc khác nhau. Như vậy, hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh cuộc sống thường ngày và trong nhu cầu của mỗi người. Ngày nay, hạnh phúc có thể được hiểu là những điều lớn lao như chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình cho nhân loại, đẩy lùi đói, khát, dịch bệnh và tăng sự gắn kết giữa con người với con người mà không phân biệt tôn giáo hay màu da.
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn nêu cao khát vọng phát triển đất nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua những chặng đường đầy thách thức nhưng rất vẻ vang và lớn mạnh cùng đất nước. Lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, động lực phấn đấu, Đảng đã đưa đất nước tiến lên, giành được thành quả rất to lớn. Khát vọng ấy chính là sợi chỉ đỏ, là cội nguồn sức mạnh để Đảng ta phát huy nội lực sẵn có, tận dụng ngoại lực vượt qua những khó khăn, thử thách, đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt gần 40 năm đổi mới.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á. Quy mô GDP đã tăng hơn 100 lần, từ con số 4 tỷ USD lên 406 tỷ USD (năm 2022). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia. Với việc Việt Nam - Australia vừa tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 7/3/2024, đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, 12 nước là đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam là tâm điểm của nhiều mạng lưới liên kết kinh tế năng động với hơn 230 đối tác thương mại, 60 hiệp định thương mại tự do sâu rộng với nhiều phương diện hợp tác. Qua đó sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Trên cơ sở của những thành tựu to lớn đó, cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được khẳng định và lan tỏa, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ngày 6/7/2021, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân, trong đó có việc con người phát triển toàn diện, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sống trong hòa bình, bình đẳng và yêu thương giúp đỡ nhau. Chỉ khi nào các quốc gia, các dân tộc chung sống hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, vì tương lai tốt đẹp chung của nhân loại, khi đó người dân trên thế giới mới thực sự được hưởng hạnh phúc một cách đầy đủ và đích thực”.
Với những thành tựu nêu trên tiếp tục khẳng định rằng, dù thời cuộc có nhiều biến động, thế giới có nhiều đổi thay nhưng vai trò Đảng Cộng sản Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc đã, đang và tiếp tục là lực lượng chính trị duy nhất có đủ vị thế, trí tuệ, năng lực, uy tín để lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Mọi sự xuyên tạc về vai trò, vị trí, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đều không có giá trị và bị thực tiễn bác bỏ
Như vậy, trước khi Liên hợp quốc chọn Ngày Quốc tế hạnh phúc, tại Việt Nam, khát vọng hạnh phúc đã được thể hiện ngay dưới quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”... Hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm.
Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, qua đó nhấn mạnh thông điệp yêu thương và chia sẻ trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng, bạn bè, đồng chí, cơ quan, đơn vị, nhà trường... nhằm đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng; góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân; khẳng định mục tiêu, động lực phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...
Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới 2023 (The World Happiness Report), Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 65 trên thế giới với điểm số hạnh phúc đạt 5,8. Theo đó, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022, lên vị trí 65 năm 2023. Mặt khác, Việt Nam được xếp hạng cao về bình đẳng khi mà khoảng cách giữa một nửa dân số cảm thấy hạnh phúc hơn và nửa dân số ít hạnh phúc hơn rất nhỏ. Ở tiêu chí này, Việt Nam là nước châu Á duy nhất lọt vào top 20 thế giới. Và trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc của Báo cáo hạnh phúc thế giới 2024, Việt Nam đứng thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023. Chủ đề của Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) năm nay là “Hạnh phúc cho mọi người” và đây cũng là mong ước chung của nhân loại.
Theo Báo Công an Nhân dân
Ý kiến bạn đọc (0)