Mấy ý kiến về đặt tên đường phố tỉnh Bắc Giang
Phố Thân Đức Luận, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang). Ảnh: Thu Hằng. |
Tên đường phố là tên các danh nhân phần lớn thuộc lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục; còn về kinh tế có lẽ chỉ có trường hợp Thân Công Tài có công lao mở mang chợ, phường Kỳ Lừa với mục đích giao thương vùng cửa khẩu quan trọng bậc nhất đương thời (thế kỷ XVIII) của hai nước Việt - Trung. Là danh nhân thường phải có công trạng tiêu biểu đối với đất nước, địa phương. Đặt tên cho đường phố là một hình thức vinh danh cao quý, đồng thời là cách nêu gương sáng của danh nhân cho nhân dân đời nay và mai sau. Tên đường phố được đặt lâu dài, ít khi thay đổi, được ghi vào các loại giấy tờ, sổ sách hành chính của tổ chức xã hội, gia đình, cá nhân. Vì vậy lấy tên người để đặt cho đường phố phải rất cẩn trọng, sao cho thật xứng đáng, kể cả tầm vóc danh nhân với con đường cụ thể, để không có điều gì phải băn khoăn, bàn luận.
Chúng tôi không có điều kiện khảo sát tất cả tên đường phố trong tỉnh, chỉ nêu mấy ý kiến chính của một số cán bộ, người dân trao đổi để cơ quan có trách nhiệm, nhất là hội đồng dự án đặt tên, đổi tên đường phố các cấp tham khảo, xem xét.
1. Một số đường phố thị trấn, TP mang tên các vị đỗ đại khoa người Bắc Giang thời phong kiến. Có một số vị chỉ biết họ tên, quê quán, năm đỗ thời nào, cùng lắm là chức quan đảm nhiệm, còn hành trạng thì không biết cho nên càng không hay về nét nổi bật, đáng ghi nhớ. Có vị hiện nay không rõ gốc tích, không biết con cháu, họ hàng, do đó khó đánh giá tốt, xấu, chỉ biết các vị này học hành, đỗ đạt cao rồi làm quan, nếu vậy chưa đủ tiêu chí mà gọi là danh nhân để nêu gương sáng. Ví dụ như Quách Nhẫn đời Trần, Phạm Túc Minh đời Lê, Phùng Trạm đời Mạc... nếu không sưu tầm được thêm một vài chi tiết cần thiết về tiểu sử thì nên thay tên vị khác.
2. Ở huyện Lục Nam có đường quy hoạch dự kiến đặt tên là Thiên Thành. Nếu theo lịch sử thì Thiên Thành là vợ Thân Cảnh Phúc, một châu mục đất Lạng Châu thời Lý có công đánh Tống. Nếu theo thần tích địa phương thì Thiên Thành lại là mẹ Vũ Thành, một vị tướng quê ở Tòng Lệnh - Bồng Lai có công chống giặc phương Bắc thời Trần. Ấy là "độ vênh" cần giải đáp thấu đáo tuy không dễ thuyết phục, chỉ thêm rắc rối khi đặt tên đường phố là Thiên Thành. Vả lại theo sử sách, thần tích thì Thiên Thành không được nói rõ công trạng gì, hành trạng thế nào, đơn giản chỉ là vợ hay là mẹ một vị tướng chống giặc ngoại xâm. Có chăng chỉ nhấn mạnh bà là công chúa nhà Lý được gả chồng về đất Lạng Châu giúp cho quan hệ giữa châu mục với triều đình thêm bền chặt, bảo vệ giữ nước. Nếu vậy thì thay bà bằng Bình Dương công chúa là mẹ Thân Cảnh Phúc, là vợ Thân Thiệu Thái. Thân Thiệu Thái có công giữ gìn biên cương được sử sách ghi chép, lại thêm Thân Cảnh Phúc có công đánh giặc thì vai trò người vợ, người mẹ của Bình Dương công chúa được khẳng định hoàn toàn theo sử sách rõ ràng. Biển tên ghi đầy đủ "Bình Dương công chúa", không ngại nhầm lẫn với ai như là biển tên "Huyền Trân công chúa" thời Trần mà TP Hồ Chí Minh đã làm. Nếu chọn được tên khác rõ ràng, hợp lý hơn càng tốt.
3. Gây thắc mắc nhiều nhất là ở TP Bắc Giang có đường Thân Đức Luận. Thân Đức Luận còn gọi là Thống Luận, đã từng chống Pháp nhiều năm nhưng đáng tiếc cuối cùng đã ra hàng Pháp vào ngày 9-4-1896, tức khoảng 6 tháng sau khi Pháp thành lập tỉnh Bắc Giang (ngày 10-10-1895), gửi tối hậu thư đòi Đề Thám nộp vũ khí, đầu hàng và tổng tấn công mạnh mẽ các căn cứ của nghĩa quân. Quãng thời gian ấy còn một vài tướng lĩnh nghĩa quân khác đầu hàng trước sức mạnh của thực dân Pháp. Sách "Khởi nghĩa Yên Thế" của Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần do Sở Văn hóa -Thông tin Bắc Giang và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997, trang 240, 281; sách "Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913)" của Khổng Đức Thiêm do Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản năm 2014, trang 333, 482 đều nêu rõ điều này, có trích dẫn cả công văn của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Công sứ Bắc Giang nhắc đến những người đã quy thuận Pháp, trong đó có Thống Luận. Sách "Từ điển - địa chí Bắc Giang" do Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản năm 2002 cũng ghi Thống Luận ra hàng Pháp, mặc dù viết là năm 1895. Phải nói thêm rằng, những năm 60, 70 thế kỷ trước, cán bộ Ty Văn hóa Hà Bắc đã sưu tầm tài liệu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chúng tôi thường được nghe nói Thống Luận ra hàng Pháp nhưng vẫn hướng về nghĩa quân như tiếp tế lương thực, thậm chí còn cất giấu, nuôi Đề Thám những năm thất thế cuối đời, tổ chức lễ tang Đề Thám khi qua đời mà quân Pháp không biết. Song cho đến nay tất cả chỉ là đồn đại của dân gian, không tìm được minh chứng cụ thể và mộ Đề Thám ở đâu vẫn là một bí ẩn.
Ai cũng biết, Thân Đức Luận và một số tướng lĩnh ra hàng Pháp là một tổn thất lớn cho phong trào nghĩa quân Yên Thế cả về ý chí chiến đấu và lực lượng vật chất. Đề Thám và nghĩa quân vẫn kiên trì kháng chiến, bằng mọi cách kéo dài 17 năm nữa, gánh chịu nhiều đau thương mất mát, tuy vậy vẫn có một số người tìm cách tham gia đội ngũ nghĩa quân. Trong khi đó những người ra hàng Pháp có thể nói là bị Pháp theo dõi chặt chẽ nhưng yên thân và đời sống khấm khá. Để ghi nhớ và biểu dương cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm (1884 - 1913) chúng ta nên chọn những tấm gương trong sáng, không còn sự đắn đo băn khoăn nào, đại diện tinh thần quật cường quả cảm về quê hương đất nước, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang hôm nay và mai sau.
Chúng tôi biết rằng những đề xuất trên nếu Hội đồng dự án đặt tên, đổi tên đường phố của tỉnh chấp nhận sẽ mất công xác minh, làm lại một vài trường hợp nhưng nghĩ về lâu dài thì vẫn phải làm, không quản ngại.
Nguyễn Đình Bưu
Ý kiến bạn đọc (0)