Lục Ngạn: Khen thưởng 18 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về sản xuất, tiêu thụ vải thiều
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, năm 2022, diện tích trồng vải thiều toàn huyện gần 17,4 nghìn ha (tăng hơn 1,9 nghìn ha so với năm 2021), trong đó diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP gần 13 nghìn ha. Mặc dù thời tiết lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây vải thiều song đây là năm thứ hai liên tiếp vải thiều được mùa với sản lượng cao, đạt hơn 126,6 nghìn tấn.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Trước tác động của dịch Covid-19, đặc biệt chính sách “Zero Covid” và các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ của Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, huyện Lục Ngạn đã chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường. Nhờ đó vải thiều tiêu thụ thuận lợi, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 3,8 nghìn tỷ đồng (giảm 410 tỷ đồng so với năm 2021), trong đó xuất khẩu đạt hơn 1,25 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, điểm mới năm nay là hoạt động du lịch miệt vườn, trải nghiệm vườn đồi, tham quan vườn vải Lục Ngạn được đẩy mạnh, triển khai bài bản, dần mang tính chuyên nghiệp. Công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu vải thiều tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút nhiều cơ quan truyền thông vào cuộc, qua đó thông tin một cách đầy đủ, khách quan, kịp thời, hỗ trợ nông dân, thương nhân và doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều.
Có ý kiến nêu, hiện vẫn còn khoảng cách lớn về kỹ thuật chăm sóc giữa các hộ, các vùng trồng nên giá bán có sự chênh lệch; năng lực tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, các đại biểu cho rằng, cơ quan chuyên môn của huyện cần có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu phù hợp cho nhiều loại vải thiều nhằm kéo dài vụ thu hoạch, giảm sức ép trong khâu tiêu thụ. Ở những diện tích đã được cấp mã vùng trồng cần tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, coi đây là định hướng trong những năm tiếp theo.
Đổi mới công tác xúc tiến, tiêu thụ theo hướng kết hợp giữa hình thức trực tuyến và truyền thống, phù hợp với điều kiện, bối cảnh từng giai đoạn cụ thể; tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, ứng dụng và phát huy có hiệu quả nền tảng xúc tiến thương mại điện tử và các hình thức xúc tiến tiêu thụ trên nền tảng số, hạ tầng Internet. Tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường nội địa, coi đây là thị trường trọng tâm, chiếm khoảng 65% tổng sản lượng...
Đồng chí La Văn Nam phát biểu tại hội nghị. |
Thay mặt cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành T.Ư; sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cụ thể của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh trong hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ vải thiều. Để tiếp tục giành thắng lợi trong những vụ tiếp theo, đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp với sở, ngành tỉnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản vải thiều nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Các cơ quan chuyên môn của huyện phải quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất ngay từ thời điểm này, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng đã được cấp mã; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm soát tốt chất lượng phân bón.
Các đơn vị liên quan sớm tham mưu xây dựng phương án tiêu thụ vải thiều, trong đó quan tâm xúc tiến tại các thị trường tiềm năng; ứng dụng, phát huy có hiệu quả nền tảng xúc tiến thương mại điện tử và các hình thức xúc tiến tiêu thụ trên nền tảng số, hạ tầng Internet.
Đồng chí La Văn Nam tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều. |
Nhân dịp này, UBND huyện Lục Ngạn khen thưởng 18 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ nhân dân sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2022.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)