Bắc Giang phát triển bền vững cây vải thiều, tránh vòng xoáy trồng - chặt
Phá cam, bỏ lúa trồng... vải thiều
Theo thống kê, diện tích vải năm nay tăng gần 1,6 nghìn ha so với năm 2020. Tại xã Tân Quang (Lục Ngạn - Bắc Giang), sau nhiều năm năng suất cam, bưởi giảm, nhiều hộ đã phá bỏ để quay lại với vải thiều. Chỉ tính riêng ba năm trở lại đây, toàn xã trồng thêm 52 ha vải thiều, trong đó có khoảng 30 ha được chuyển từ diện tích cam.
Vườn vải thiều mới được chuyển đổi từ đất trồng lúa tại thôn Sàng Nội, xã Tân Quang (Lục Ngạn). |
Tương tự, từ năm 2020 đến nay, nông dân xã Mỹ An trồng thêm 70 ha vải. Ông Bùi Văn Chính, thôn Đồng Mai, xã Mỹ An nói: “Cách đây 5-6 năm, thấy nhiều hộ thu lãi lớn từ cây có múi, tôi phá 100 gốc vải thiều gần 20 năm tuổi để trồng 300 cây cam.
Do không âm hiểu kỹ thuật chăm sóc nên vườn cam phát triển chậm, năng suất và chất lượng sản phẩm kém, không có lãi nên năm 2021, tôi đành phá vườn cam để quay lại với cây vải. Nếu vẫn giữ vườn vải trước đây, mỗi vụ gia đình tôi cũng thu hoạch hơn chục tấn quả”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), ba năm gần đây, diện tích trồng vải thiều có biến động. Nếu như năm 2020, tổng diện tích hơn 28,1 nghìn ha thì đến nay gần 29,7 nghìn ha. Phần tăng thêm chủ yếu là vải sớm, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. Diện tích này do người dân tự chuyển đổi từ đất trồng lúa và các loại cây khác.
Tại xã Đại Sơn (Sơn Động), chỉ tính riêng năm 2022, một số hộ dân đã trồng thêm 9 ha vải thiều, trong đó có gần một nửa được chuyển từ những vườn táo, tập trung nhiều ở các thôn: Làng Khang, Tân Trung... Ở xã Vô Tranh (Lục Nam), vài năm gần đây có thêm hơn 200 ha vải thiều được trồng mới, nâng tổng diện trong toàn xã lên hơn 1 nghìn ha.
Những vườn vải này được trồng trên đất bãi, đất vườn và khu vực cấy lúa một vụ không ăn chắc. “Việc mở rộng diện tích vải thiều không chỉ gây áp lực trong công tác quản lý quy hoạch của địa phương mà người dân cũng gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm. Do kỹ thuật chăm sóc chưa cao, chất lượng vải hạn chế nên vụ vừa rồi, nhiều gia đình phải bán giá thấp hơn so với mặt bằng chung”, ông Bùi Quang Chúc, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh nói.
Cần thực hiện đúng quy hoạch
Là loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, những năm qua, vải thiều đã khẳng định được giá trị, mang đến cho người dân thu nhập khá. Mặc dù vậy, qua đánh giá, việc mở rộng diện tích không nằm trong vùng sản xuất tập trung mang đến không ít hệ lụy, nhất là khâu tiêu thụ bởi đây là giống cây cho thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn.
Ba năm gần đây, diện tích trồng vải thiều có biến động. Cụ thể, nếu như năm 2020 tổng diện tích là hơn 28,1 nghìn ha thì đến nay gần 29,7 nghìn ha. Diện tích tăng chủ yếu là giống vải sớm (Thanh Hà , U Hồng, U trứng...), tập trung tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân diện tích vải thiều tăng không chỉ do những năm gần đây, giá bán ổn định, ở mức cao mà còn do các địa phương buông lỏng quản lý, để các hộ tự ý chuyển đổi; nhiều nơi chưa quyết liệt xử lý vi phạm...
Sau một thời gian dài canh tác cây có múi, nhiều diện tích đất bị ô nhiễm, khả năng sinh trưởng, chất lượng sản phẩm giảm nên một số hộ lại chuyển đổi, quay về với cây vải.
Vòng luẩn quẩn “trồng chặt, chặt trồng” khiến người dân thất thu. Bởi lẽ cây ăn quả phải ít nhất 3-5 năm sau trồng mới cho thu hoạch, vừa trồng cây này được vài năm lại bỏ để thay cây khác thì đất không được sử dụng hiệu quả, nông dân không có thu nhập.
Thực tế, việc mở rộng diện tích vải từng xảy ra và bộc lộ nhiều bất cập. Cây giống không bảo đảm, có nơi đất trồng không phù hợp, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, đầu ra thiếu ổn định... Lường trước những rủi ro, các địa phương đã khuyến cáo người dân thận trọng khi mở rộng diện tích; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, chú trọng thâm canh các vườn đang cho năng suất ổn định, không đầu tư vào những vùng kém hiệu quả; chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý tốt diện tích vải thiều, từ đó chủ động hơn trong phương án tiêu thụ, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho quả vải, nhất là các chuỗi liên kết xuất khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Mặc dù dư địa để phát triển cây vải thiều vẫn còn song việc mở rộng cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
Hiện chúng tôi đang tập trung rà soát toàn bộ diện tích vải thiều, nhất là những khu vực phát triển mới để đánh giá về điều kiện phát triển, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Cùng với tăng cường kiểm tra, khuyến cáo, ngành sẽ chỉ xem xét, đưa các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ tại những diện tích nằm trong quy hoạch, vùng sản xuất tập trung”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)