Lục Ngạn giữ vững chất lượng cây ăn quả
Giám sát chặt quy trình chăm sóc
Vụ vải thiều năm nay, lần đầu tiên gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn liên kết với một doanh nghiệp (DN) tại Bắc Ninh sản xuất vải thiều có sự giám sát của hệ thống camera. Được biết, đây là hộ làm vườn giỏi trong huyện do vậy phía DN tin tưởng lựa chọn là điểm liên kết sản xuất vải.
Vườn vải GlobalGAP của gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn. |
Theo ông Hành, tất cả quá trình từ chăm sóc đến thu hoạch đều được DN giám sát chặt chẽ. Liên kết với DN, hộ sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các bước chăm sóc vải theo quy trình GlobalGAP. Trong đó chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ vải này toàn huyện có hơn 2 ha vải ở xã Giáp Sơn, Quý Sơn được lắp camera giám sát quá trình chăm sóc. Việc làm này giúp DN liên kết thuận lợi khi giao dịch với đối tác vì trích xuất quá trình chăm sóc tại mọi thời điểm trên vườn, rõ nguồn gốc sản phẩm.
Giữ vững thương hiệu
Năm nay toàn huyện có hàng trăm ha vải GlobalGAP, hơn 10 nghìn ha vải VietGAP. Thực tế, những năm trước, sản phẩm chăm sóc theo quy trình trên đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu sang thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản…
Ngoài ra, cam, bưởi của Lục Ngạn cũng đã có nhiều vườn VietGAP, sản xuất an toàn. Quả cây có múi dù chưa xuất khẩu song cũng cạnh tranh mạnh với trái cây trong cả nước.
Có thể thấy, chất lượng đã tạo dựng lên thương hiệu trái cây Lục Ngạn mà hiếm nơi nào có được. Cùng một loại sản phẩm nhưng khi trồng tại Lục Ngạn luôn có giá bán nhỉnh hơn so với địa bàn khác trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: “Để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, đồng thời giữ vững thương hiệu trái cây tại địa bàn, huyện xác định yếu tố mấu chốt là chất lượng sản phẩm. Vì thế, việc khuyến cáo, tập huấn người dân sản xuất tạo ra sản phẩm có mã đẹp, thơm ngon luôn được huyện chú trọng. Huyện cũng cơ cấu lại bộ giống, vùng trồng để đạt năng suất, chất lượng tốt nhất”.
Theo lời ông Bình, phía Trung Quốc yêu cầu hàng hóa gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam là khó khăn nhưng đồng thời là dịp để bà con nhìn lại quá trình sản xuất. Qua đó người sản xuất sẽ phải nâng trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.
Lục Ngạn có hơn 26 nghìn ha cây ăn quả các loại, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho người dân. Vì vậy, đi đôi với các biện pháp trên, huyện đã chỉ đạo những xã trọng điểm cây ăn quả thành lập các tổ hợp tác liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp hạ tầng vùng trồng cây ăn quả.
Nhờ các biện pháp trên, Lục Ngạn có gần 5 nghìn ha vải thiều; hơn 1 nghìn ha cây có múi được phía Trung Quốc chấp thuận mã vùng. Diện tích cây trồng VietGAP, GlobalGAP ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu nhiều thị trường.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)