Lục Nam: Tập trung đôn đốc, xử lý các vi phạm về đất đai
Trên tinh thần chỉ đạo chung, xã Đông Phú đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời một số trường hợp, nhất là các hộ vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 19. Theo ông Hoàng Kiều Vương, Chủ tịch UBND xã, qua kiểm tra, địa phương phát hiện 9 trường hợp, xã đã lập biên bản xử phạt. Đến nay, tất cả các hộ này đã tự nguyện khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu và không tái phạm.
Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn Đoàn Tùng tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, sau khi được tuyên truyền, vận động, cuối năm 2022, ông Toàn đã phá bỏ các trụ bê tông, tường gạch xây trong diện tích vi phạm gần 50 m2. Đối với hộ bà Phạm Thị Hòe ở thôn Gẵn, khi phát hiện gia đình bà xây móng nhà trên diện tích 80 m2 đất nông nghiệp, xã đã cử cán bộ nhiều lần đến gặp gỡ, giải thích. Bà đã hiểu quy định và tiến hành san lấp, trả lại hiện trạng ban đầu.
Cán bộ Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện cùng cán bộ địa chính xã Đông Phú xác minh vi phạm về đất đai. |
Ở xã Lan Mẫu, ngoài chủ động rà soát, lập hồ sơ đối với 167 trường hợp vi phạm từ trước khi có Chỉ thị số 19, UBND xã chú trọng xử lý các trường hợp phát sinh. Xã phân công cán bộ chuyên môn hằng tuần dành thời gian kiểm tra thực địa, kể cả ngày nghỉ. Nhờ đó địa phương đã phát hiện, nhắc nhở từ khi vi phạm mới manh nha nên không phải ban hành quyết định xử phạt. Mới đây, xã đã giải quyết dứt điểm vụ việc ông Phùng Văn Toàn ở thôn Trung Hậu vi phạm, yêu cầu gia đình dỡ cổng và bỏ lối đi trên đất nông nghiệp để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa ruộng tại xứ đồng Cửa Điếm.
Qua rà soát theo Chỉ thị số 19, trên địa bàn huyện có hơn 14.700 trường hợp vi phạm với tổng diện tích đất khoảng 1.500 ha với lỗi như: Chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc đào thành ao, hồ để nuôi trồng thủy sản; chuyển đất nông nghiệp, đất vườn sang đất ở. Kiên quyết chấn chỉnh những vi phạm, UBND huyện Lục Nam đã quan tâm chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn dồn sức thực hiện. Huyện ban hành nhiều văn bản yêu cầu xử lý dứt điểm những vi phạm theo Chỉ thị số 19. BTV Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo, thành viên là các đồng chí ủy viên BTV và thủ trưởng một số cơ quan liên quan; phân công, giao nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể.
UBND huyện thành lập 5 tổ xử lý nhanh theo cụm xã, yêu cầu mỗi xã chọn một trường hợp làm điểm rút kinh nghiệm. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, hiện tất cả các trường hợp đã được lập biên bản kiểm tra, xác minh hiện trạng để phân loại. Đến hết tháng 2/2023, toàn huyện đã xử lý hơn 10 nghìn trường hợp, đạt hơn 70%. Nhiều hộ đã khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình, cây trồng trái phép trả lại mặt bằng để thực hiện các dự án. Một số hộ đã được thiết lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên địa bàn huyện Lục Nam có hơn 14.700 trường hợp vi phạm về đất đai với tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Tính đến hết tháng 2/2023, toàn huyện đã xử lý hơn 10 nghìn trường hợp, đạt hơn 70%. Nhiều hộ đã khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình, phá bỏ cây trồng trái phép trả lại mặt bằng. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, từ thực tiễn xử lý vi phạm cho thấy, quá trình thực hiện vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót như: Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số xã không thường xuyên, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư trong tố giác vi phạm. Việc xử lý các trường hợp vi phạm mới phát sinh chưa triệt để, tiến độ xử lý các vi phạm ở các địa phương chưa đồng đều. Toàn huyện còn 19 trường hợp vi phạm sau khi Chỉ thị số 19 được ban hành, tập trung ở một số xã như: Tam Dị, Khám Lạng, Vũ Xá và thị trấn Đồi Ngô…
Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn thường xuyên nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện và tăng cường đôn đốc xử lý các vi phạm mới phát sinh. Đồng chí Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với các vi phạm sau ngày ban hành Chỉ thị số 19, địa phương đã yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ; xử lý dứt điểm trong quý I năm nay. Giải pháp quan trọng huyện đặt ra là: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và ban lãnh đạo các thôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; ngăn ngừa, phát hiện sớm vi phạm; không để các hộ gia đình, cá nhân xây dựng xong công trình kiên cố mới xử lý, dẫn tới phải cưỡng chế. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chấp hành quy định của pháp luật về đất đai; giải quyết các vụ việc theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau.
Kiên quyết tổ chức lực lượng cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm với những người chây ỳ, cố tình. Đối với các hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích từ nhóm đất nông nghiệp sang làm nhà ở thời điểm trước ngày 1/7/2014 nay phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đủ điều kiện xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn yêu cầu người vi phạm kê khai, lập hồ sơ xử lý cấp giấy chứng nhận theo quy định và phải hoàn thành trong năm 2023.
Bài, ảnh: Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)