Lục Nam: Năng động chuyển đổi nghề
Phát huy lợi thế địa bàn
So với các địa phương khác, huyện Lục Nam có lợi thế giao thông thuận lợi, có cả đường bộ, đường thủy, đường sắt đi qua, kết nối nội bộ và liên thông với các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh. Vì vậy, huyện được đánh giá có tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đô thị và dịch vụ du lịch sinh thái… của tỉnh Bắc Giang.
Cơ sở may công nghiệp của chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng. |
Theo ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, từ định hướng của tỉnh, những năm qua, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN -TTCN. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện chú trọng và ưu tiên đầu tư cho công tác quy hoạch, nhất là các cụm công nghiệp (CCN); tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 CCN được thành lập với tổng quy mô 291 ha. Trong đó, 2 CCN (Đồi Ngô và Già Khê) đã được lấp đầy 100% với 9 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 5,7 nghìn tỷ đồng; 2 CCN đã xây dựng hạ tầng; còn lại đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, đang hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất và thủ tục về môi trường.
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, ngành CN, xây dựng chiếm tỷ trọng 47,7%, tăng 1,1% so với năm 2021. |
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành CN - xây dựng ước đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, ngành CN, xây dựng chiếm tỷ trọng 47,7%, tăng 1,1% so với năm 2021.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, toàn huyện có 557 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Ngoài ra, nhờ sự năng động chuyển đổi nghề, các hộ dân đã thành lập 107 hợp tác xã, hơn 14,8 nghìn hộ kinh doanh cá thể. Kết quả thu hút đầu tư, phát triển CN-TTCN của huyện đã giúp người dân năng động chuyển đổi nghề phù hợp, có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm thực hiện công tác khuyến công, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã. Năm 2022, toàn huyện thành lập mới 13 hợp tác xã và gần 1,2 nghìn hộ kinh doanh cá thể, chủ yếu sản xuất TTCN với các ngành, nghề: Mộc công nghiệp, bóc ván gỗ, cơ khí, làm mỳ gạo, gia công hàng may mặc...
Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi nghề phù hợp
Gần 10 năm trước, đời sống của người dân các xã Khám Lạng, Bắc Lũng, Vũ Xá, Cẩm Lý, Đan Hội chủ yếu trông vào nông nghiệp, một số lao động trẻ rời quê đi làm ăn xa, lác đác người dân mở hàng quán nhỏ kinh doanh chút ít mặt hàng thiết yếu.
Vậy mà những năm gần đây, trên địa bàn các xã này, cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ, cơ khí, may mặc... tăng thu nhập cho gia đình.
Là một trong những trường hợp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, anh Nguyễn Văn Phú (SN 1979), chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Văn Phú, thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng cho biết: “Tôi theo nghề mộc từ năm 2009 nhưng hầu hết chỉ đi làm thuê hoặc gia công đồ gỗ nhỏ tại nhà. Đến năm 2017, qua Hội Nông dân xã, tôi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện để mở xưởng mộc.
Năm 2020, tiếp tục vay vốn lần 2 và được hỗ trợ thêm 60 triệu đồng từ nguồn khuyến công của tỉnh, tôi mua máy phay bào đa năng, phát triển sản xuất. Đến nay, cơ sở của tôi đã hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng”.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng cho biết: “Xã có vị trí thuận lợi, trong nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ này, Đảng bộ, chính quyền đã xây dựng nghị quyết, xác định phát triển CN-TTCN và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động làm hướng đi. Các ngành nghề dịch vụ mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần làm nông nghiệp nên ngày càng thu hút lao động nông thôn tham gia.
Xã đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề mạnh dạn vay vốn ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2015”.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1989), thôn Quỳnh Độ, sau thời gian học nghề may, làm công nhân ở xa, năm 2021, chị quyết định về quê mở cơ sở may tại nhà, gia công cho đầu mối ở TP Hà Nội. “Hằng tháng, nguyên liệu được chuyển về tận nhà, thành phẩm hoàn thiện đóng gói, có xe về vận chuyển đi Hà Nội nên khá thuận tiện.
Vì vậy, tôi có thời gian ở nhà quán xuyến, chăm lo 2 con ăn học mà vẫn duy trì được công việc”, chị Huệ chia sẻ. Được biết, hiện cơ sở tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra, có những thời điểm chị còn thuê thêm 10-20 lao động thời vụ. Trong thôn Quỳnh Độ còn 30 hộ sản xuất bánh đa, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân.
Theo quy hoạch không gian phát triển giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2040, huyện Lục Nam thành lập thêm 4 CCN (Nghĩa Phương, Trường Sơn, Khám Lạng, Bảo Sơn). Để khắc phục khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở, UBND huyện tiếp tục xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, gắn chặt quy hoạch phát triển công nghiệp với đô thị và dịch vụ.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cùng đó, tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình hợp tác xã, ngành nghề truyền thống, hộ kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cho vay tín chấp ưu đãi đối với những dự án thân thiện với môi trường, có tính khả thi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Bài, ảnh: Tường Vi - Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)