Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Quy định nhiều chính sách ưu đãi
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách mới. Ảnh minh họa. |
DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân mỗi năm không quá 200 người. Đồng thời đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Thứ hai, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Có hai loại hình DNNVV có tính đặc thù được Luật đề cập. Theo đó, DNNVV do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó. DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Đây là hai đối tượng mà Luật có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho họ có cơ hội phát triển.
Nội dung cốt lõi của Luật là những quy định về sự hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ chung và hỗ trợ cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Hỗ trợ chung cho DNNVV bao gồm các biện pháp cơ bản hỗ trợ như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, công nghệ; hỗ trợ mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực...
Luật quy định, trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm. DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán. Chính sách này sẽ giúp các DNNVV nâng cao năng lực tích lũy, cạnh tranh.
Để bảo đảm cho các DNNVV có nguồn nhân lực tốt, Luật quy định nhiều chính sách hỗ trợ phát triển như: Miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DNNVV. Nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ hoạt động đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Nhằm giúp DNNVV xác lập được thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá ngay tại thị trường nội địa, Luật quy định các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm nếu có ít nhất 80% số DNNVV tham gia được hưởng các hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn được hưởng các hỗ trợ như tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu...
DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm, thu hút đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại... Việc đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định cụ thể trong Luật. Nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp. Các nhà đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào vào loại hình doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hoàng Văn Lợi
Ý kiến bạn đọc (0)