Lây nhiễm Covid-19 bùng lại ở châu Âu, Mỹ
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 21/7 (theo giờ VN), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 192.158.739 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.119.100 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 442.220 và 6.421 ca tử vong mới.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran. |
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Anh (46.558 ca), Ấn Độ (42.123) và Indonesia (38.325 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.303 ca), tiếp theo là Indonesia (với 1.280 ca) và Nga (784 ca). Đặc biệt số ca lây nhiễm mới đang tăng mạnh trở lại ở các điểm nóng cũ tại châu Âu và Mỹ.
Tuy thứ tự các nước có ca lây nhiễm và tử vong mới đã đổi vị trí nhưng Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35.070.385 người, trong đó có 625.217 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.215.142 ca nhiễm, bao gồm 414.657 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 19.419.437 ca bệnh và 5424.180 ca tử vong.
Pháp: Ca mắc mới tăng nhanh 'chưa từng thấy'
Ngày 20/7, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho hay trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 18.181 ca mắc mới Covid-19, đồng thời cảnh báo số ca mắc mới đang tăng nhanh ở mức "chưa từng thấy" do sự lây lan của biến thể Delta.
Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Veran cho hay thống kê mới nhất cho thấy sự lây lan của biến thể Delta gia tăng ở mức 150% trong tuần trước và đây là mức chưa từng thấy đối với chủng virus gốc, hay biến thể Alpha, biến thể Gamma. Ông Veran cho rằng trong bối cảnh nhiều người hoài nghi vaccine. số liệu mới cho thấy rằng điều này không còn thời gian cho sự nghi ngờ và do dự và việc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua tỷ lệ tiêm chủng cao là cách duy nhất để nước Pháp thoát khỏi sự lây nhiễm này.
Hiện tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp đang ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 khi nước này bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa thứ ba. Trong bối cảnh làn sóng thứ 4 bủa vây, quốc gia châu Âu này cũng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Cho tới nay, mới chỉ có 45% dân số Pháp tiêm đủ liều vaccine.
Anh: Lây nhiễm mới dẫn dầu thế giới trong "Ngày Tự do"
Ngày 20/7, ngày Anh bắt đầu nới lỏng hầu hết các hạn chế, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với 46.558 trường hợp. Điều này đồng nghĩa với việc số ca mắc mới từ ngày 14-20/7 đã tăng 40,7% so với 7 ngày trước đó. Bên cạnh đó, Anh cũng ghi nhận 96 ca tử vong mới do Covid-19.
Theo thống kê, tính đến ngày 19/7, 46,35 triệu người dân Anh đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và 36,24 triệu người đã hoàn thành 2 mũi tiêm.
Các nước châu Âu từng là điểm nóng ở thời kỳ đầu như Tây Ban Nha, Italy cũng đang chứng kiến số ca lây nhiễm tăng mạnh trở lại. Tây Ban Nha ghi nhận 27.286 ca nhiễm trong 24 giờ qua; Italy 3.558 ca. Tổng số ca lây nhiễm ở châu Âu hiện đã vượt qua mốc 50 triệu trường hợp.
Mỹ: Biến thể Delta chiếm 83% số ca được giải trình tự gien
Tại Mỹ, nhiều bang cũng chứng kiến ca lây nhiễm tăng trở lại do biến thể Delta, với 34.534 ca bệnh trong 24 giờ qua.
Ngày 20/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gien tại Mỹ. Tiến sỹ Walensky nhấn mạnh đây là mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 50% ghi nhận hôm 3/7 vừa qua.
Bà Walensky cho hay số ca nhiễm biến thể Delta thậm chí còn cao hơn tại một số khu vực ở Mỹ có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp. Bà khẳng định: "Biện pháp tối ưu để ngăn ngừa sự lây lan biến thể Covid-19 là ngăn chặn sự lây bệnh và tiêm chủng vaccine là công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có. Chúng ta cần phải tiếp tục 'phủ sóng' vaccine bằng cách xây dựng niềm tin vào các loại vaccine phòng Covid-19".
Từ nhiều tháng qua, vaccine phòng Covid-19 đã sẵn có cho phần lớn người dân Mỹ, song theo CDC, chưa tới 50% dân số Mỹ được tiêm vaccine đầy đủ và tỷ lệ tiêm chủng vaccine mới đang giảm. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua tại 47/50 bang của Mỹ cao hơn ít nhất 10% so với tuần trước đó. Trong số đó, 35 bang đã ghi nhận mức tăng số ca nhiễm hơn 50%.
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng
Nội các Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng cho tới cuối tháng 9 nhằm ứng phó với tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết việc gia hạn từ ngày 1/8 đến ngày 30/9 là theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), đơn vị phụ trách các hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của chính phủ. Theo bà Traisuree, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh chóng và tích hợp các biện pháp kiểm soát Covid-19 vì lợi ích an toàn cộng đồng. Quyết định này là để ứng phó với việc hàng nghìn ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận hàng ngày ở vùng Bangkok mở rộng.
Quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mới cùng 80 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận có nhiều ca mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
Ý kiến bạn đọc (0)