Làng vĩ cầm, làng hoa và ...
“Tiếng lành đồn xa”, một ngày cuối năm, chúng tôi về làng Then để được “mắt thấy, tai nghe” về dàn nhạc “độc nhất vô nhị” trong cả nước. Dù đã hẹn trước song khi đến nhà văn hóa - điểm hội họp, sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) vĩ cầm làng Then, chúng tôi vẫn phải chờ khá lâu, hai thành viên chủ chốt của CLB mới có mặt.
Vừa gặp, cả hai đều rối rít xin lỗi bởi đang dở tay làm đất trồng vụ hoa mới. Cả hai đều đã luống tuổi. Người trẻ hơn là ông Nguyễn Quang Khoa, Chủ nhiệm CLB và người kia là ông Hà Văn Chính. Biết tôi từng làm báo trong quân đội, hai ông hào hứng khoe cũng vốn là “lính tuyên văn” chủ lực. Ông Chính nhập ngũ năm 1975, làm nhạc công của nhóm “văn nghệ xung kích” Trung đoàn 568 đóng quân ở Quảng Ninh. Ông Khoa nhập ngũ năm 1978, thành viên nhóm “Ca khúc chính trị” của Bộ Tư lệnh Thông tin - Liên lạc. Khi xuất ngũ, cả hai về quê làm ruộng và… chơi đàn.
Một buổi tập luyện của Câu lạc bộ vĩ cầm làng Then. |
Câu chuyện của hai cựu chiến binh đưa chúng tôi trở về cội nguồn của “làng vĩ cầm” hơn 60 năm trước. Thì ra, làng Then là quê hương của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như: Nhạc sĩ Trần Vinh, nghệ sĩ Hà Huy Bái (Nhà hát Chèo Bắc Giang); Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đắc Sừ, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam; Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Huê, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; Nghệ sĩ Hà Nga (Nhà hát Chèo Quân đội), từng giành Huy chương Bạc cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc năm 2020 và nhiều diễn viên tài năng của Nhà hát Chèo Việt Nam như: Hà Thị Thanh Thảo, Giáp Văn Chương, Hà Văn Cường…
Ấy là hai ông đang khoe khéo về truyền thống văn hóa của làng. Thời kháng chiến chống Pháp, vùng quê này có nhiều cơ quan văn hóa và đơn vị bộ đội đứng chân nên phong trào văn nghệ rất sôi nổi. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, dân làng thành lập đội văn nghệ để phát huy phong trào văn nghệ kháng chiến nhưng tiết mục thì “bổn cũ soạn lại”; nhạc cụ chủ yếu là sáo, nhị, đàn bầu… Nghe tin ông Đỗ Hữu Bài là nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam đang đi xây dựng phong trào trên tỉnh, các cụ cao niên trong làng liền lên mời về thụ giáo. Ông Bài vốn là nhạc công violon nên đem cây “đàn Tây” của mình ra dạy cho nhóm thanh niên, ai nấy đều hào hứng… Mà cái thứ “đàn Tây” này tấu các bài quan họ cổ Kinh Bắc cũng “ngọt” đáo để. Thế là người bán thóc, bán lợn, thậm chí có người bán cả trâu để mua đàn.
Trong giây phút dạt dào cảm xúc giữa những cánh đồng hoa khoe sắc, tôi tưởng tượng đến một ngày không xa, làng Then sẽ đón những đoàn du khách trong và ngoài nước về ngắm hoa, nghe dương cầm, thưởng thức các nông sản sạch và tham quan các công trình kiến trúc cổ ở địa phương. Xa hơn nữa, “làng vĩ cầm” sẽ là một điểm đến trong tour du lịch vùng Đông Bắc của tỉnh. |
Dàn nhạc Violon làng Then thời ấy nổi danh khắp vùng. Năm 1962, Đội văn nghệ làng Then, nòng cốt là dàn nhạc Violon tham gia Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc xuất sắc giật giải Nhất, phần thưởng là một chiếc máy hát.
Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, phần lớn thanh niên trong dàn nhạc Violon nhập ngũ, số ở lại vẫn bền bỉ giữ lửa vĩ cầm. Bấy giờ ông Nguyễn Hữu Đưa là lứa nhạc công đầu tiên thọ giáo nhạc sĩ Đỗ Hữu Bài, trở thành thầy giáo của lứa thiếu niên trong làng, trong đó có hai ông Nguyễn Quang Khoa, Hà Văn Chính. Lúc đó dù đã lên công tác ở Đoàn văn công tỉnh Hà Bắc nhưng mỗi Chủ nhật, ông Đưa lại đạp xe về làng dạy nhạc. Phong trào văn nghệ ở làng Then nhờ thế lại lên dần. Năm 1976, sau khi giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc, Đội văn nghệ làng Then được Bộ Văn hóa - Thông tin chọn biểu diễn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Tại sự kiện trọng thể ấy, dàn nhạc tấu bản "Du kích sông Thao" của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bài "Lý Thiên Thai" là điệu dân ca quan họ cổ. Sau lần ấy, danh tiếng Dàn nhạc Violon làng Then càng lan rộng. Năm 1990, kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, Dàn nhạc Violon làng Then vào tỉnh Nghệ An biểu diễn phục vụ nhân dân quê Bác và du khách. Đại diện một Quỹ văn hóa của Thụy Điển được xem các nghệ sĩ làng Then biểu diễn dịp ấy, đã tài trợ toàn bộ đàn mới. Năm 2019, Dàn nhạc Violon làng Then được mời tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế trong chương trình giao lưu âm nhạc quốc tế, tổ chức tại Hải Phòng.
Cũng năm 2019, CLB vĩ cầm làng Then được thành lập. Ban đầu CLB chỉ có 13 người thuộc thế hệ các ông Nguyễn Quang Khoa, Hà Văn Chính, sau thu hút nhiều cháu học sinh tham gia. Hằng tuần, CLB sinh hoạt, tập luyện hai buổi vào các tối thứ Hai và thứ Năm. Ngoài ra, các thành viên còn được phân công dạy đàn cho các cháu vào mỗi cuối tuần. Ông Hà Văn Chính còn mở lớp dạy miễn phí tại nhà cho các cháu vào mùa hè.
Một góc vườn hoa lay- ơn làng Then, xã Thái Đào. Ảnh: Thế Đại. |
CLB vĩ cầm làng Then hiện có 11 thành viên, trong đó có 5 người là cựu văn công quân đội. Được huyện và tỉnh quan tâm động viên, hỗ trợ, lại được Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam về tận làng biểu dương, tặng quà… nên CLB càng thêm khí thế. Theo ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Thái Đào, phong trào chơi vĩ cầm của làng Then có ảnh hưởng rất tích cực tới việc giữ gìn an ninh, trật tự và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương; đồng thời là động lực để “huých” phong trào văn hóa - thể thao của các làng khác, góp phần để Thái Đào đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2019 và hiện đã đạt 13/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Trước khi chia tay làng Then, chị Vũ Thị Dự, cán bộ Văn hóa xã Thái Đào nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng hoa của làng đang vào mùa đón Tết. Đây là nét mới, là “điểm sáng” của nông thôn mới ở Lạng Giang hiện nay. Hoa lay-ơn, loa kèn và các loại cúc của làng Then đã có mặt tại Hà Nội và nhiều địa phương khác. Làng Then bây giờ ngoài danh xưng “làng vĩ cầm”, còn có thêm “làng lay-ơn”. Nhiều du khách trong vùng, nhất là giới trẻ đã “phượt” từ TP Bắc Giang, Thủ đô Hà Nội… về đây chụp ảnh “nuôi phây"!.
Và trong giây phút dạt dào cảm xúc giữa những cánh đồng hoa khoe sắc, tôi tưởng tượng đến một ngày không xa, làng Then sẽ đón những đoàn du khách trong và ngoài nước về ngắm hoa, nghe dương cầm, thưởng thức các nông sản sạch và tham quan các công trình kiến trúc cổ như: Chùa Thái Đào, đình Thiếp Trì… Xa hơn nữa, “làng vĩ cầm” sẽ là một điểm đến trong tour du lịch vùng Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, bao gồm Tây Yên Tử linh thiêng, cây Dã Hương ngàn năm tuổi và những di sản văn hóa truyền thống dọc đôi bờ sông Thương thơ mộng. Khả thi lắm chứ, dẫu còn phải cố gắng rất nhiều và không chỉ riêng sự nỗ lực của làng Then, của xã Thái Đào hay huyện Lạng Giang…
Ghi chép của Mai Nam Thắng
Ý kiến bạn đọc (0)