Làng Then không chỉ có vĩ cầm
Đam mê âm nhạc
Thế hệ trẻ làng Then tiếp nối niềm đam mê âm nhạc của cha ông. |
Tiếp chuyện chúng tôi tại ngôi đình làng bên hồ nước trong xanh, anh Nguyễn Quang Khoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn violon của làng cho biết, người dân làng Then không chỉ làm kinh tế giỏi với nghề trồng hoa quanh năm mà còn luôn giữ được nét văn hóa độc đáo từ nhiều đời nay. Các thế hệ người dân trong làng rất trân quý với niềm đam mê chơi vĩ cầm, môn nghệ thuật bắt nguồn từ châu Âu.
- Bây giờ ai cũng bận rộn, làm gì có thời gian ngồi đàn hát nữa?- cô bạn đi cùng tôi nói.
- Không hẳn như vậy. Vào buổi tối, chúng tôi thường ra đình làng luyện tập và chơi những bản nhạc mới cho nhau nghe, bởi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người làng Then - anh Khoa tâm sự.
CLB Đàn violon làng Then hiện có hơn 10 thành viên là những hạt nhân nòng cốt để tiếp lửa cho các thế hệ trong làng về niềm đam mê âm nhạc. Tiếng đàn của làng Then không chỉ ngân vang trong những ngôi nhà nơi thôn quê mà còn tham gia giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi. Anh Khoa cho biết: “CLB chuẩn bị ra Hà Nội biểu diễn theo lời mời của một doanh nghiệp. Họ đã gửi lời mời cho chúng tôi cách đây vài tuần”.
Tiếng đàn violon xuất hiện ở làng Then cách đây hơn nửa thế kỷ. Khi đó, qua một đêm nghe đội văn công của tỉnh về xã biểu diễn, một số người yêu âm nhạc của làng rất thích thú rồi tự góp tiền xuống Hà Nội mời thầy về làng truyền dạy cách chơi đàn. Vậy là gần 60 năm qua, tiếng đàn violon không ngừng được cất lên ở làng quê yên bình này...
Chiều thứ Bảy ngày cuối năm, trong khuôn viên nhà ông Hà Văn Chính, thành viên CLB Đàn vilon của làng có gần chục cháu đang hăng say kéo từng nốt nhạc du dương từ những cây đàn violon xinh xắn trên vai. Các cháu đều đang học lớp 5. Bằng niềm đam mê với cây đàn, vào các buổi chiều trong tuần, ông Chính lại nhiệt tình truyền dạy cách chơi đàn cho các cháu. Việc làm này đã được ông duy trì 4 năm nay. Em Giáp Đức Anh, thành viên lớp học tâm sự: “Hôm nào không được đến học đàn, chúng em lại cảm thấy buồn. Nhờ biết chơi đàn violon, giúp chúng em vui hơn, giảm đi những căng thẳng, áp lực sau mỗi buổi học ở trường”.
Lưu giữ nếp nhà xưa
Ngồi dưới căn nhà cổ có từ vài trăm năm trước được làm hoàn toàn bằng gỗ lim chắc chắn, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bìa, một trong những “nghệ sĩ” kể cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành và phát triển của làng. Theo ông, làng Then có cách đây gần nghìn năm. Mảnh đất làng Then được xem là màu mỡ nhất vùng. “Năm nay, cả hai vợ chồng tôi đều ở tuổi 85, vậy mà khi lớn lên tôi đã thấy có ngôi nhà này rồi. Bố tôi kể, khi ông sinh ra cũng đã có ngôi nhà này. Người dân làng Then khá năng động lại chịu khó lao động nên có của ăn của để, làm được nhiều nhà to đẹp”, ông Bìa vừa lấy tay gõ gõ vào cánh cửa, vừa tâm sự.
Một góc làng Then. |
Ngôi nhà của vợ chồng ông Bìa có 5 gian, được làm theo lối kẻ truyền chắc chắn. Bà Đỗ Thị Láng, vợ ông Bìa nói: “Sống ở căn nhà này cảm thấy tinh thần thoải mái, ấm cúng. Đã có nhiều người đến hỏi mua cả nếp nhà nhưng gia đình tôi không bán, vì nó là di sản của cha ông để lại, mình phải gìn giữ”.
Vợ chồng ông Bìa sinh được sáu người con. Các con ông đã trưởng thành, trong đó con trai cả đang là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư (Hà Nội). Thỉnh thoảng, vào ngày nghỉ cuối tuần, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về, các con cháu ông lại sum vầy dưới nếp nhà xưa để ôn lại những kỷ niệm và nghe tiếng đàn violon thánh thót của cha ông mình.
Về làng Then hôm nay, chúng tôi không chỉ được nghe tiếng vĩ cầm mà còn được chiêm ngưỡng những nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm như gia đình ông Bìa, tạo ra không gian làng quê thuần Việt. “Cả làng Then hiện có hơn 30 ngôi nhà cổ như thế này. Người dân luôn có ý thức gìn giữ chúng như báu vật của dòng tộc, gia đình”, ông Hà Văn Thiệu, trưởng thôn nói.
Làng Then hiện có 732 hộ. Điều đặc biệt ở đây là hầu như hộ nào cũng có vài ba chậu cảnh được cắt tỉa công phu cùng những hàng cau cao vút được trồng trong vườn, cạnh bờ ao, dọc lối đi. Ông Giáp Văn Nguyên, người dân trong làng nói: “Cây cau luôn gắn với nét văn hóa làng quê Việt, vì thế người dân chúng tôi rất thích trồng loại cây này quanh nhà. Không những vậy, cây cau cũng là một trong những nguồn thu nhập cho người dân nơi đây”. Được biết, gia đình ông Nguyên có khoảng 300 cây cau lớn nhỏ, trong đó 124 cây đã cho quả năm thứ 10. Từ vườn cau này, gia đình ông mỗi năm thu về khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn thu được hơn 10 triệu đồng từ bán cau giống. “Tới đây, tôi sẽ trồng khoảng 700 cây cau nữa, phấn đấu có đủ một nghìn cây cau trong vườn”, ông Nguyên cười nói.
Lối vào làng Then những ngày áp Tết khá nhộn nhịp bởi khách mọi nơi về mua hoa. Trong mỗi nếp nhà là khung cảnh yên bình, đầm ấm. Có lẽ, thông qua niềm đam mê âm nhạc, người dân làng Then cũng đã bồi đắp nét văn hóa đôn hậu, hiếu khách. Cô bạn là chủ một doanh nghiệp lữ hành đi cùng tôi tiết lộ: “Tới đây, công ty sẽ xem xét khai thác điểm du lịch tại làng Then. Chỉ cần chỉnh trang thêm chút ít đường làng, ngõ xóm cùng những nếp nhà cổ và CLB Đàn violon là có thể dẫn khách nước ngoài về trải nghiệm nét văn hóa Việt ở nơi đây”.
Ý kiến bạn đọc (0)