Lạng Giang: Kích cầu cứng hóa đường thôn
Người dân xã Xương Lâm (Lạng Giang) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Vân Anh. |
Những ngày này, thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm nhộn nhịp hơn. Câu chuyện của bà con chỉ xoay quanh chủ đề cứng hóa đường liên xóm, liên ngõ sao cho đúng kỹ thuật, tiết kiệm mà bảo đảm chất lượng, thuận tiện đi lại, giao thương. Khắp các ngõ, tổ liên gia đồng loạt ra quân làm đường. Ông Nguyễn Công Trưởng, thôn Đại Giáp chia sẻ, bao năm nay chịu cảnh đường đất lầy lội, trơn trượt khi mưa, bụi bẩn lúc nắng. Đi từ nhà tới quốc lộ 31 chỉ vài trăm mét mà như xa lắm. Bây giờ, hơn 4,3 km đường liên thôn, ngõ được bê tông hóa vừa đẹp làng, đi lại thuận tiện, ai cũng phấn khởi.
Có sự đột phá về giao thông ở làng quê cuộc sống còn nhiều khó khăn này nhờ “cú hích” từ phong trào xây dựng NTM của huyện. Năm nay, Lạng Giang quyết định hỗ trợ toàn bộ xi măng cho 5 xã xây dựng NTM làm đường GTNT. Vì thế người dân Đại Giáp khơi dậy nội lực, góp sức, góp tiền thay thế đường đất bằng bê tông. Người góp tiền, người hiến đất, công lao động. Có nhóm hộ góp 10 triệu đồng, cũng có nhóm đóng 20 triệu đồng/hộ mà không so đo, chỉ mong con đường sạch, đẹp nhanh chóng hoàn thành. Ví như gia đình ông Nguyễn Văn Lĩnh đã hiến 10 m2 đất thổ cư nắn cho đường thẳng. Đồng chí Nguyễn Công Thuật, Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi: “Nhà nước có chủ trương hợp lòng dân, bà con sẵn sàng phát huy nội lực xây dựng công trình phúc lợi. Năm nay, thôn sẽ sớm hoàn thành cứng hóa đường làng bảo đảm tiêu chí NTM”.
Đoạn đường thôn Đông Thịnh, xã Xương Lâm vừa hoàn thành. Ảnh: Văn Phương. |
Không riêng Đại Lâm, người dân ở các xã: Phi Mô, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Xương Lâm cũng huy động nhân lực, kinh phí cứng hóa đường nông thôn. Các tuyến liên thôn, ngõ xóm bề mặt từ 3 đến 3,5 m đổ bê tông, bảo đảm độ dày theo tiêu chuẩn từng bước hình thành nhờ chính sách kích cầu của huyện. Để bảo đảm làm đường đẹp, tránh thất thoát, lãng phí, các thôn, xã xây dựng thiết kế, được cơ quan chức năng thẩm định, giao cho các nhóm hộ hoặc thôn đứng ra thi công, có sự giám sát của cộng đồng. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo như giao cho từng tổ liên gia, nhóm hộ đi chung đoạn đường đứng ra đảm nhận, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân thực hiện” nên bà con phấn khởi tham gia. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Nguyễn Văn Tuấn nêu kinh nghiệm, xã chỉ đạo giám sát đúng kỹ thuật, ngoài phần xi măng huyện hỗ trợ và xã giúp tân đất mở rộng đường, các thôn tự hạch toán chi phí, góp tiền hoặc huy động cát sỏi, công lao động tự làm đường. Ở xã Phi Mô, đến thời điểm này đã cứng hóa 215 m và đang xây dựng gần 1 km đường thôn, liên thôn. Dự kiến trong năm nay, toàn bộ đường liên thôn trong xã được cứng hóa, bảo đảm hoàn thành tiêu chí NTM...
Theo cơ quan chuyên môn, chi phí xi măng chiếm khoảng 35% giá trị công trình đường thôn, xóm theo quy chuẩn. Còn lại, UBND các xã, thôn và người dân huy động từ nguồn xã hội hóa. |
Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, trong đó có các tuyến đường thôn, xóm, nội đồng, đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng NTM, UBND huyện Lạng Giang trích ngân sách hỗ trợ khoảng 6 nghìn tấn xi măng cho 5 xã xây dựng, về đích NTM năm nay. Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban Quản lý dự án huyện phối hợp thiết kế mẫu, hướng dẫn các địa phương thực hiện, kiểm tra chất lượng công trình. Các thôn, tổ liên gia thành lập ban giám sát cộng đồng. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, huyện có khoảng 900 km đường thôn, liên thôn và ngõ xóm, đã cứng hóa hơn 50%. Các nơi chưa làm đường bê tông đa phần điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp nên bước đầu huyện ưu tiên, khuyến khích bằng xi măng cứng hóa ít nhất 60% chiều dài tuyến đường ngõ, xóm; 70% đường liên thôn, thôn ở các xã dự kiến về đích NTM năm nay.
Những con đường bê tông sạch sẽ đã và đang vươn tới từng cụm dân cư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế. Mạng lưới đường quê rộng dài muôn nẻo ở Lạng Giang đang được đồng bộ hóa, liên thông với các cấp đường khác, tạo đà cho vùng đất này vươn lên mạnh mẽ.
Cùng với kích cầu từ phía huyện, mới đây, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ các thôn, xóm toàn bộ xi măng để làm đường thôn, liên thôn và nội đồng từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn khác. Không chỉ bó hẹp trong các thôn thuộc xã xây dựng NTM, giờ đây, người dân ở khắp các địa phương đều được tiếp nhận nguồn vật liệu này. Cũng theo ông Nguyễn Văn Sỹ, địa phương sẽ tính toán để không sử dụng chồng chéo các nguồn hỗ trợ. Huyện tập trung cấp xi măng cho đường ngõ, xóm, còn tỉnh “lo” trục thôn, liên thôn và nội đồng. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để hệ thống đường GTNT trên địa bàn hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cao Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc (0)