Lan tỏa tình yêu dân ca quan họ
Sân chơi bổ ích
Nhóm Facebook "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống" do ông Kha và một số người yêu thích quan họ cổ của thôn Đài Sơn, xã Minh Đức thành lập cách đây hơn 2 năm nhằm giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị của dân ca quan họ.
Một buổi sinh hoạt quan họ của các thành viên CLB Quan họ xã Minh Đức (Việt Yên). |
Theo giải thích của ông Kha và một số bậc cao niên, ngày xưa, nhóm người chơi quan họ được gọi là “Bọn quan họ”, không gọi là CLB như ngày nay. “Bọn” là từ dùng để chỉ một nhóm chứ không mang nghĩa xấu. Trong một làng quan họ gốc thường có nhiều bọn quan họ. Có bọn quan họ nam và bọn quan họ nữ.
Khi mới thành lập, nhóm chỉ có gần 10 người là thành viên trong CLB Quan họ xã Minh Đức (chủ yếu ở thôn Đài Sơn). Đây là những người biết ca quan họ cổ, đối đáp theo cặp, không đệm nhạc, hiểu lề lối. Riêng ông Kha có thể chơi được 250-300 làn điệu cổ, vợ ông cũng là thành viên của nhóm.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ xã Minh Đức, quản trị viên của nhóm cũng chơi được 200-250 làn điệu. Các ông Nguyễn Văn Đặt, Nguyễn Quang Tám, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Văn Hoàng có thể biểu diễn từ 60- 80 làn điệu.
Kể từ năm 2008, khi huyện Việt Yên tổ chức Liên hoan quan họ, trong đó có thi hát đối đáp, những người lập ra nhóm "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống" càng có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ, tích lũy, khám phá được nhiều "nét duyên" của quan họ, từ đó biểu diễn chuyên nghiệp hơn.
Thấy cái hay, lạ, độc đáo của nhóm, nhiều người ở trong và ngoài tỉnh tham gia, từ nông dân, cán bộ hưu trí đến công chức, viên chức, doanh nhân yêu thích quan họ. Không ít người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng là thành viên nhóm.
Đặc biệt, nhóm còn thu hút nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân quan họ, những chuyên gia nghiên cứu văn hóa hỗ trợ, chia sẻ về cái hay, cái đẹp và lề lối chơi quan họ để mọi người hiểu thêm. Khoảng 2-3 tháng, ban quản trị trang fanpage tổ chức biểu diễn một canh quan họ cổ (120-150 phút) phát trực tiếp trên mạng, địa điểm ở nhà nhóm trưởng hoặc chùa Bổ Đà, sân đình hay tại tỉnh Bắc Ninh để mọi người cùng thưởng thức, tương tác.
Từ chỗ chỉ có hơn 10 thành viên, đến nay, nhóm thu hút khoảng 1,8 nghìn người tham gia. Nhóm có quy định riêng đối với các thành viên như: Ứng xử, bình luận có văn hóa; không đăng hình ảnh không liên quan đến hoạt động nhóm hoặc có lời lẽ chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết; không bôi nhọ danh dự cá nhân, nói xấu tôn giáo, vùng miền đi ngược với thuần phong mỹ tục, chủ trương của Đảng, Nhà nước; không quảng cáo, bán hàng.
Quảng bá di sản
Hơn 2 năm qua, vào tối thứ Ba, thứ Sáu, Chủ nhật hằng tuần, các thành viên của nhóm lại gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt trên Facebook. Các cặp, tổ, đội muốn biểu diễn phải đăng ký trước để ban quản trị trang thiết lập quyền truy cập, đăng tải. Trung bình, thời gian giao lưu từ 60-90 phút, tùy theo chương trình các thành viên đăng ký.
Những ngày thường, không phải lịch sinh hoạt, nếu các cặp, đội có nhu cầu giao lưu, có thể đăng ký để ban quản trị trang đăng tải. Thông qua hoạt động này, các thành viên được thưởng thức, trao đổi, góp ý, tự điều chỉnh câu hát cho đúng, hay hơn, đồng thời hiểu sâu hơn về những nét văn hóa đặc sắc của dân ca quan họ.
Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên-người thường xuyên hỗ trợ về hoạt động chuyên môn của nhóm cho biết, các nhóm, CLB hát quan họ trên mạng xã hội xuất hiện nhiều song nhóm "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống" có phong cách thể hiện rất riêng, độc đáo, từ việc chọn cặp hát (cặp nam, cặp nữ), chọn bài, đến trang phục biểu diễn, không gian tổ chức (đối với các canh hát).
Đây là việc làm rất hữu ích góp phần bảo tồn các làn điệu quan họ cổ, có sức lan tỏa mạnh đối với cộng đồng.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2021 ở tỉnh Bắc Giang, các CLB không thể gặp gỡ, giao lưu, truyền dạy, thông qua nhóm "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống", mọi người vẫn tương tác. Những câu ca vẫn ngân vang, thể hiện tinh thần đoàn kết, lạc quan, quyết tâm chiến thắng đại dịch. Không ít thành viên là người ngoài tỉnh Bắc Giang, có nhiều khác biệt về văn hóa vùng miền song yêu câu ca quan họ, coi đó như món ăn tinh thần trong đời sống.
Chị Ngô Thị Chung Thủy (SN 1977), sinh ra và lớn lên ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), hiện là kế toán một công ty chia sẻ: Lúc hơn 10 tuổi, chị được mẹ cho nghe nhiều làn điệu quan họ. Những giai điệu, ca từ mượt mà, ân tình, sâu lắng ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, theo chị vào cả trong giấc ngủ, để rồi sau này khi lớn lên chị vẫn mang trong mình tình yêu quan họ da diết.
Qua người bạn giới thiệu, chị biết đến nhóm "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống" trên Facebook và tham gia được gần 2 năm. Từ chỗ chỉ thích nghe, giờ đây chị Thủy thể hiện khá tốt khoảng 20 làn điệu quan họ lời cổ. Mới đây, có dịp về huyện Việt Yên thăm thân, chị tự tin biểu diễn trên sân khấu nhiều bài quan họ cổ trước sự cổ vũ nhiệt tình của người xem.
Cũng từ hoạt động của nhóm "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống", không ít người xa lạ trở thành những người bạn thân quen, thường xuyên chia sẻ, tâm sự, động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực sống. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc khai thác tiện ích của mạng xã hội trong việc bảo tồn, quảng bá giá trị di sản văn hóa như hoạt động của nhóm "Bọn-Quan họ làng-Truyền thống" là mô hình hay, cách làm sáng tạo cần nhân rộng.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)