Làm đám cưới cho con dâu đi lấy chồng khác
Cô dâu Bảo An xinh tươi trong lễ cưới, nhà trai đón dâu ở nhà chồng cũ của cô, hôm 11/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hôm 11/4, đám cưới ở nhà ông Trần Năng Toán và bà Đặng Thị Hòa có 35 mâm cỗ, khách là hàng xóm, họ hàng của ông bà và bạn bè của cô dâu Hoàng Bảo An, 30 tuổi. Trong lễ cưới, ông Toán, bà Hòa đại diện cho nhà gái nhận sính lễ, tuyên bố gả Bảo An cho gia đình chồng mới của cô.
"Từ đây, nhà ông bà có thêm một nàng dâu, nhà tôi có chàng rể mới'', ông Toán nói với đại diện nhà trai.
Đám cưới của Bảo An diễn ra với thủ tục bình thường như bao đám cưới ở xã Yên Dưỡng, nhưng khác ở chỗ, đại diện nhà gái là gia đình chồng cũ của cô dâu.
Chị An và chồng cũ ở cùng xã, kết hôn tháng 11/2016. Hơn một năm sau, chồng An qua đời vì tai nạn lao động. Bé Bon, con trai anh chị mới 5 tháng tuổi. "Anh làm ở Lào Cai, tôi làm ở Hà Nội. Hơn một năm vợ chồng, nhưng tính ra chỉ ở gần nhau khoảng một tháng", An kể.
Đau khổ nhưng thấy bố mẹ chồng suy sụp, chị động viên ông bà: ''Người ta mất là hết, anh ấy vẫn còn để lại cho gia đình mình cu Bon, phải nhìn vào thằng bé mà gượng dậy bố mẹ ạ''.
Bảo An chụp ảnh lưu niệm trong ngày vui cùng mẹ chồng cũ (ngoài cùng bên trái) và các cô, thím của chồng cũ. Ảnh nhân vật cung cấp |
Rồi An ở luôn quê để gần ông bà. "Đùm bọc, động viên nhau, gia đình tôi cùng vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất'', chị kể.
Bảo An xem nhà chồng như nhà đẻ. Lúc bố mẹ chồng ốm đau, chị chăm lo, phụng dưỡng. Ngày giỗ chồng hằng năm, chị đứng ra lo liệu chu toàn. ''Không thể chê trách con điều gì. Vợ chồng tôi coi An như con gái, các con tôi luôn xem An là ruột thịt, không có phân biệt nào'', ông Toán, 66 tuổi, nói.
Nhưng thấy con dâu góa bụa khi còn trẻ, mấy năm nay, ông bà vẫn động viên An đi bước nữa. ''Tôi thương con mình thì cũng xót con dâu. Đầu xanh, tuổi trẻ nhưng thiệt thòi sớm'', bà Hòa, 62 tuổi, nói. Tết năm nay, ông bà càng hối thúc An hơn.
''Ba ngày Tết, bữa cơm nào bố mẹ cũng giục tôi đi lấy chồng'', Bảo An kể. Từ khi chồng mất, nhiều người ngỏ ý quan tâm chị, nhưng An từ chối vì thấy ''họ thương mẹ nhưng chẳng muốn thương con mình''. Chỉ đến khi thấy người chồng hiện tại quan tâm con mình như con trai, bé Bon quấn chú, chị Bảo An mới gật đầu.
Một tháng trước, chị xin phép bố mẹ chồng cho đi bước nữa. ''Con phải xin phép bố mẹ con trước rồi mới hỏi ý kiến bố mẹ chứ'', ông Toán khuyên nàng dâu. Nhưng Bảo An nói đã là dâu con, phải được bố mẹ chồng đồng ý mới thưa chuyện với bố mẹ đẻ. Ông bà Toán gật đầu.
Bố mẹ Bảo An cũng ủng hộ con gái, nhưng bảo với vợ chồng ông Toán, bà Hòa: "Bảo An đã là dâu ông bà thì là người nhà ông bà. Đám cưới của cháu để ông bà toàn quyền quyết định''. Thấy hợp lý, vợ chồng ông Toán bàn với anh em họ hàng và các con, thống nhất đảm nhận vai trò nhà gái, tổ chức đám cưới cho con dâu.
Ông Toán tâm sự, con dâu lấy chồng, ông mừng cho Bảo An, nhưng cũng ngậm ngùi khi nghĩ đến con trai xấu số. "Chuyện đã qua, nay lại khơi lên như vết thương cũ tái phát, nhưng vợ chồng tôi động viên nhau nén buồn để các con có niềm vui trọn vẹn'', ông nói.
Vợ chồng ông bà lên kế hoạch phát thiệp mời, thức đêm chuẩn bị cỗ bàn, lo liệu mọi chuyện để đám cưới con dâu diễn ra vui nhất có thể. Ông bà, bố mẹ đẻ của Bảo An đều đến nhà chồng cũ dự cưới con, cháu gái, nhưng như đã thống nhất, đại diện nhà gái vẫn là ông Toán và bà Hòa.
''Bà con lối xóm ai cũng bất ngờ khi thấy ông bà Toán tổ chức đám cưới cho con dâu còn to hơn cả cưới con gái. Tôi thấy nể và xúc động lắm", chị Hoàng Thị Liên, 43 tuổi, hàng xóm của ông bà nói.
Ông Toán cho biết, khi quyết định tổ chức đám cưới cho Bảo An, ông bà tâm niệm không biết sau này con có nghĩ đến mình hay không, nhưng trước hết, ông bà phải yêu thương, đối xử hết lòng với Bảo An như con trong nhà. ''Có như vậy, trong lòng tôi cũng thấy vui vẻ'', ông nói.
Trong lễ cưới, em trai chồng cũ hỏi Bảo An "sau này chị sinh em bé, cháu sẽ gọi em là cậu hay là chú". Người chị nói đã xem mình như con gái nhưng các con chị sau này sẽ vẫn gọi chú như bé Bon vì không muốn có sự khác biệt giữa các bé.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)