Lãi suất đồng loạt giảm sâu, có ngân hàng huy động chỉ từ 3,4%/năm
Ảnh minh họa. |
Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng đã giảm xuống mức kịch trần theo quy định mới là 4,75%/năm tại hàng loạt ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...
Thậm chí có ngân hàng còn giảm sâu hơn mức tối đa mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), lãi suất các kỳ hạn trên chỉ còn từ 4-4,5%/năm khi gửi tiết kiệm thông thường và từ 4,4-4,75%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvcomBank), lãi suất tiếp tục giảm 0,25%/năm xuống 4,25%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng giảm lãi suất từ 0,25-0,5%/năm, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng còn 4,75%/năm...
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm, các kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng giảm còn 4,75%/năm.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã có bước giảm "sốc" đối với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.
Cụ thể, Agribank niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng chỉ 3,4%/năm, thay vì mức 4,1%/năm như trước đó; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng cũng giảm từ 4,6%/năm xuống còn 4,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại Agribank cũng giảm đồng loạt 0,5%/năm, đưa mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này xuống còn 6,3%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất có phần nhỉnh hơn. Đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tại các ngân hàng này dao động từ 4,1-4,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất được 3 "ông lớn" này niêm yết ở mức 6,8%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với Agribank.
Ghi nhận trong sáng 19/6, không chỉ giảm lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng mà nhiều ngân hàng còn mạnh tay điều chỉnh lãi suất với cả các kỳ hạn dài hơn.
Theo quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 19/6/2023, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, cũng từ 19/6, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…
Theo Tin tức
Ý kiến bạn đọc (0)