Kỷ niệm 1.980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Hai Bà Trưng. |
Tại buổi lễ, các đại biểu T.Ư và TP Hà Nội thành kính dâng hương, hoa và nghe đọc chúc văn tri ân công đức những nữ anh hùng đã viết nên trang sử vàng chói lọi thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trước đó, nghi thức rước kiệu, tế lễ được tổ chức long trọng, thu hút sự ngưỡng vọng của đông đảo công chúng và du khách, tạo nên không khí trang nghiêm, song cũng không kém phần náo nức.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, gần 2.000 năm qua, nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, có những cống hiến to lớn, rất đáng tự hào vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, trong những năm qua, rất quan tâm đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Những kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội phát huy tinh thần sáng tạo, với mục tiêu lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội tiếp tục đoàn kết, chủ động sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế về con người, truyền thống cách mạng và văn hóa, trong đó có các di sản đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Đối với khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ và phát hiện thêm những giá trị mới; xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị; thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô; đồng thời khẩn trương xây dựng đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau Lễ kỷ niệm 1.980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020 là hoạt động tham quan, vãn cảnh đền và trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, các trò chơi dân gian độc đáo. Cũng trong khuôn khổ lễ hội còn có triển lãm “Mê Linh - Đất và người”; trưng bày sinh vật cảnh và sản vật quê hương Mê Linh...
Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020 kéo dài đến hết ngày 1-2 (tức mùng 7 tháng Giêng Âm lịch).
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)