Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển KT-XH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường, xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
|
Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 100, xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia tham gia giao thông; bảo vệ an ninh trật tự; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh nguồn nước; kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "chống dịch như chống giặc"; điều chỉnh lại chỉ tiêu phát triển do tác động của dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh; khôi phục thị trường du lịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi...
Đề cập đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) bày tỏ: Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch. Mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào và suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu Covid-19 trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hương (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. |
“Thật kỳ diệu, khi chúng ta đã chiến thắng dịch Covid-19 như chiến thắng Điện Biên Phủ”. Chia sẻ điều này và liên tưởng tới vấn đề văn hóa, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng khẳng định, “chính văn hóa là nguồn lực chiến lược cho phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI”.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, nếu so sánh thực chất trang thiết bị y tế thì chúng ta còn nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng chúng ta đã chống dịch thành công và chia sẻ kịp thời cùng cộng đồng quốc tế, đã làm nên hình ảnh, thương hiệu Việt Nam an toàn, nghĩa tình, thân thiện. “Làm được điều đó phải chăng hội tụ sức mạnh của bản sắc văn hóa Việt Nam, từ nền tảng giáo dục và y tế vững chắc giàu tính nhân đạo được xây dựng quy tắc từ bao đời nay, từ nhiều thế hệ…”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, “khai thác và phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm, văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao phát triển KT-XH, đặc biệt ở các nước có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc như nước ta”.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đầu tư kinh tế văn - xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh. Và điều lớn lao nữa là xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có của Việt Nam.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch phát triển KT-XH thời gian tới và những năm tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lăk) đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, lao động - việc làm, an sinh xã hội và thương mại… đã duy trì được trạng thái kinh tế vi mô không bị suy giảm nhanh và trong tầm kiểm soát, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, song theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, “đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ”.
Chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, song theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lăk) “đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ” |
Đại biểu cho rằng, về tâm lý, đa số người hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của người dân, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương.
“Giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị.
Nội dung thảo luận về tình hình KT-XH sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trong cả ngày 15/6.
TS (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)