Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng giao thông, đô thị ở Lục Ngạn
Sớm bàn giao mặt bằng “sạch”
Áp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng trên công trường thi công các tuyến đường thuộc dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng thiết yếu vùng trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao huyện Lục Ngạn (gọi tắt là dự án) tại các xã: Quý Sơn, Phượng Sơn và thị trấn Chũ vẫn được nhà thầu khẩn trương thi công. Cùng đó, hàng trăm hộ dân xã Quý Sơn cũng tranh thủ sửa sang, xây lại các công trình sau khi tháo dỡ hiến đất cho dự án.
Đứng trước tường bao, cổng nhà của gia đình mình và con trai vừa được xây lại, bà Trần Thị Xuân, thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn cho hay, gia đình bà vừa hiến hơn 100 m2 đất vườn, thổ cư, hàng chục m2 tường bao (nhiều nhất trong thôn) và gần chục cây vải thiều. Tổng chi phí xây lại các công trình trên đất đã hiến hơn 30 triệu đồng. Bà Xuân bộc bạch: “Vì lợi ích chung nên bà con trong thôn hiến đất được thì mình cũng hiến. Đường mới rộng, đẹp mọi người đều được hưởng lợi, đi đâu mà thiệt”.
Bà Trần Thị Xuân bên công trình cổng, tường bao của gia đình vừa được xây lại. |
Được biết, dự án trọng điểm này xây dựng 5 tuyến đường, tổng chiều dài gần 14 km với vốn đầu tư 148,8 tỷ đồng. Trong đó, tuyến số 1 (thuộc địa bàn thị trấn Chũ, dài 0,7 km) có chi phí bồi thường GPMB, các tuyến còn lại không có chi phí bồi thường GPMB. Theo UBND xã Quý Sơn, để có mặt bằng thi công, toàn xã có hơn 440 hộ phải di dời các công trình (nhà ở, tường bao, mái vẩy, cột cổng, cây ăn quả), tổng diện tích hơn 19 nghìn m2 đất các loại và hàng nghìn m2 tường bao, mái vẩy, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Bí thư Đảng uỷ xã Quý Sơn Vi Ngọc Văn cho biết: “Xác định đây là cơ hội giúp địa phương phát triển KT-XH vùng cây ăn quả bền vững nên xã quyết tâm thực hiện GPMB nhanh nhất”. Với phương châm chỗ khó tập trung GPMB trước để các hộ làm theo nên chỉ sau 3 tuần ra quân, xã Quý Sơn đã hoàn thành và giao mặt bằng “sạch” cho nhà thầu thi công, vượt kế hoạch gần 1 tháng.
Ngoài dự án trên, năm 2021, huyện Lục Ngạn còn một số dự án không có chi phí bồi thường GPMB khác như dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường nối đường tỉnh 289 (đoạn từ dốc Biềng, xã Nam Dương đi xã Mỹ An) dài 5,5 km. Công trình này có 170 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất hiến hơn 19,7 nghìn m2.
Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ An Nguyễn Đức Khoản cho biết, đoạn nằm trên địa bàn Mỹ An hơn 2 km, liên quan đến 87 hộ dân ở các thôn Đông Mai và Ngọc Nương. Do xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên chỉ trong 25 ngày, 100% các hộ đều tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất với hơn 8,4 nghìn m2, hơn 1,1 nghìn cây ăn quả các loại, 1,1 nghìn m2 tường bao… ước trị giá tài sản nhân dân hiến khoảng 6,5 tỷ đồng.
Để GPMB hiệu quả, cũng theo Bí thư Đảng uỷ xã, sau khi nhận được hồ sơ liên quan dự án, Đảng ủy, UBND xã đã tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án. Đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị địa phương. Lấy khối dân vận xã làm nòng cốt, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng vào cuộc. Trong quá trình tổ chức thực hiện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn cấp trên, nhà thầu xây dựng...
6 bài học kinh nghiệm
Năm 2021, Lục Ngạn thực hiện 33 dự án. Huyện đã hoàn thành bồi thường GPMB 17 dự án, đang thực hiện 16 dự án. Khó khăn khi thực hiện các dự án không có chi phí bồi thường GPMB là hầu hết các hộ phải hiến đất đều thiếu đồng thuận, dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ. Để hoàn thành GPMB, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực vào cuộc, có những cách làm linh hoạt, sáng tạo.
Năm 2022, huyện Lục Ngạn tiếp tục hoàn thiện dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng thiết yếu vùng trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao; đường vành đai thị trấn Chũ; cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ xã Tân Quang đi Đồng Cốc cùng nhiều dự án lớn của tỉnh và T.Ư trên địa bàn. |
Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, qua thực tế, Lục Ngạn đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm, đó là: Khi thành lập Hội đồng bồi thường GPMB cần mời Ban Dân vận, MTTQ, lãnh đạo các đoàn thể tham gia để nắm bắt được chủ trương chung của huyện, tỉnh, thành phần của Hội đồng bồi thường GPMB phải có các đoàn thể của huyện và cơ sở - nơi có dự án; phân công cụ thể cho lãnh đạo UBND huyện phụ trách dự án nắm bắt tình hình, đôn đốc chỉ đạo thực hiện GPMB, đồng thời tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ phụ trách địa bàn có dự án phối hợp với UBND huyện trong tổ chức thực hiện; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, sau đó chia các tổ tuyên truyền của xã xuống vận động những hộ còn lại theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau.
Cùng đó là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tạo sức lan toả để người dân biết làm theo, hộ nào đồng ý hiến đất, hiến tài sản, tổ công tác vừa bố trí người lập biên bản vừa cho lực lượng giúp cắt cây, tháo dỡ công trình, thu dọn ngay và hỗ trợ nhân lực xây dựng lại các công trình bị tháo bỏ; cấp huyện, xã kịp thời khen thưởng đột xuất những hộ hiến đất nhiều và gương mẫu đi đầu bằng cách tặng giấy khen hoặc cán bộ lãnh đạo huyện trực tiếp xuống hộ dân thăm hỏi, động viên; khi người dân có thắc mắc liên quan chế độ, chính sách GPMB thì lãnh đạo huyện trực tiếp xuống gặp gỡ, đối thoại, giải thích, vận động để bà con đồng thuận.
Năm 2022, huyện Lục Ngạn tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn, trong đó có GPMB dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 31 qua địa bàn. Với những kinh nghiệm trên, chắc chắn huyện sẽ làm tốt công tác này để các dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)