Kiểm tra, xử lý nghiêm hai bến cảng tự phát tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế)
Trước đó, ngày 31/1, Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế có văn bản số 29/CV-CT đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Yên Thế xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật 2 bến cảng tự phát làm ô nhiễm nguồn nước trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước phục vụ sinh hoạt.
Tàu, thuyền của hai bến cảng tự phát neo đậu, xả thải trên sông Thương trong phạm vi vùng bảo hộ khu vực lấy nước phục vụ sinh hoạt đoạn qua thị trấn Bố Hạ. Ảnh do Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế cung cấp.
|
Được biết, ngày 23/12/2019, Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt sông Thương. Vị trí khai thác nước mặt cụ thể tại khu vực sông Thương đoạn qua địa bàn tổ dân phố Tân Xuân, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế).
Theo quy định thì tất cả tàu, thuyền không được neo, đậu trong vùng bảo hộ của công trình khai thác, sử dụng nước mặt sông Thương để phục vụ sinh hoạt (trong phạm vi 1.000 m về phía thượng nguồn và 100 m về phía hạ nguồn).
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Hứa Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Cây xanh. môi trường, đô thị Yên Thế, vài tháng trở lại đây trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt ở trạm bơm khai thác nước mặt có 2 bến cảng tự phát thường xuyên tập kết xuống hàng hóa làm ô nhiễm nặng đến nguồn nước mặt của công trình.
Thứ nhất là bến xuống than, đất của Công ty TNHH Hạ Phương nằm sát về phía hạ nguồn trạm thu nước mặt của công trình. Hằng ngày, tại bến này có nhiều tàu, thuyền neo đậu ra vào, ăn, ở sinh hoạt tại chỗ trong vùng bảo hộ khu vực lấy nước nên đã thải một lượng lớn chất thải như bụi than, dầu mỡ...
Theo văn bản số 4649/UBND- ĐT ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh về việc bảo đảm vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thì bãi tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Hạ Phương chưa đủ điều kiện để hoạt động.
Đến thời điểm hiện tại bãi tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Hạ Phương vẫn chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa được cấp phép bến thủy nội địa nhưng doanh nghiệp này vẫn thi công xây dựng nhiều hạng mục và lắp các cầu cảng để lên xuống hàng hóa.
Hoạt động của một bến cảng tự phát trong phạm vi vùng bảo hộ khu vực lấy nước phục vụ sinh hoạt trên sông Thương, đoạn qua thị trấn Bố Hạ. (Ảnh do Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế cung cấp).
|
Bến cảng tự phát thứ hai là của ông Nguyễn Văn Kiên, một hộ dân tại địa phương. Hằng ngày, tại bến này đều có nhiều tàu, thuyền ra vào lấy dăm gỗ, ăn, ở sinh hoạt tại chỗ trong vùng bảo hộ khu vực lấy nước và thải một lượng chất thải trực tiếp ra nguồn nước ngay trạm bơm nước mặt.
Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế nhiều lần ý kiến, đề nghị Công ty TNHH Hạ Phương và ông Nguyễn Văn Kiên không được đỗ tàu, thuyền, quay đầu và đổ chất thải sinh hoạt trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Vài ngày gần đây, khi Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế có ý kiến phản ánh bằng văn bản đến cơ quan chức năng thì hai bến cảng trên tạm dừng hoạt động.
Nhằm bảo đảm không để ô nhiễm nặng đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác, sử dụng nước mặt và chất lượng nước sạch cấp tới khách hàng, Công ty cổ phần Cây xanh, môi trường, đô thị Yên Thế đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, UBND huyện Yên Thế xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với 2 bến cảng tự phát kể trên.
Theo kế hoạch, ngày 8/2/2023, tổ công tác của UBND huyện Yên Thế (do Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì) và ngày 10/2/2023, tổ công tác của UBND tỉnh gồm một số sở, ngành (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) sẽ tiến hành làm việc với doanh nghiệp, cá nhân liên quan hoạt động của hai bến cảng nói trên. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định.
Thuỳ Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)