Khúc ru mùa xuân
Tôi bâng khuâng bóc tờ lịch cuối cùng. Đêm khó ngủ tung chăn trở dậy, mở cửa sổ và không tin ở mắt mình. Dưới ánh sáng hắt lên của bóng đèn đường, hàng cây lộc vừng sau những ngày trơ trụi lá đã nhú những chồi non. Lòng bỗng hân hoan vui như có nhạc. Phép kỳ diệu nào đã tung lên trời những hạt mầm hy vọng, để mùa xuân yêu dấu đã về.
Con người không thể sống mà thiếu niềm tin. Kể cả phút lâm nguy, niềm tin chỉ le lói “ánh sáng cuối đường hầm”. Thật tài tình khi tạo hoá đã sắp đặt mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới rồi mới đến các mùa hạ, thu, đông. Mùa xuân với nắng ấm, hoa xinh hé môi cười đem đến cho con người bao niềm tin và hy vọng về một năm mới tốt lành.
Tiếng trống hội xuân. Ảnh: Ngô Minh Bắc. |
Chỉ hai tiếng mùa xuân đã xốn xang, chinh phục mọi trái tim. Chẳng thế mà trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, viết trong những ngày đất nước còn chia cắt, nhà văn Vũ Bằng đã thốt lên: “Ai bảo non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái; ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”.
Nhìn lại lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc mới thấy mùa xuân luôn gắn liền với tiếng kèn xung trận, là khúc ca khải hoàn báo tin vui chiến thắng. Như vẫn còn đây hào khí oai hùng mùa xuân năm 40 - 43 (sau CN), Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận đánh đuổi quân Đông Hán.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh gắn với người anh hùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi và chiến thắng Xương Giang 1427. Tiếng vó ngựa Quang Trung đại phá quân Thanh từ mùa xuân 1789 như còn vang vọng. Và rạng rỡ, vinh quang Việt Nam chói ngời trang sử là Đại thắng mùa xuân 1975.
Nhà thơ cách mạng Xô viết Ra-xun Gam-ra-tốp đã từng nói: "Một dân tộc không thể tồn tại mà lại thiếu bài ca". Phải chăng, mùa xuân chính là bài ca của dân tộc mình, là hồn núi, hồn sông, hồn quê của mỗi người con đất Việt.
Để mỗi năm Tết đến xuân về, dù giàu, dù nghèo, dù đi đâu, ở đâu ai cũng mong ngóng muốn về quê hương ăn bữa cơm sum họp gia đình chiều 30 Tết, dự hội làng đầu xuân.
Mỗi người đều có khúc ru ca mùa xuân của riêng mình. Khúc ru ca đó với những cảm xúc dù là quá khứ, là hiện thực, là khát vọng tương lai… cũng đều rất đẹp, rất vui và ấm áp. Vì nó mang hơi thở mùa xuân.
Khúc ru ca mùa xuân của riêng tôi bao giờ cũng mang bóng hình của mẹ - người đã sáu lần mang nặng đẻ đau, nuôi anh em chúng tôi lớn khôn từ nắm mạ, bùn non, từ hạt thóc nhọc nhằn mà không bao giờ than khổ.
Mẹ của những lời ru “con cò lặn lội bờ sông…, cây ngô đồng không trồng mà mọc…” khi chúng tôi còn thơ bé. Mẹ của những ngày tất tả khi trời mưa hết gạo, ướt hết cả rạ đun.
Ngày trận bão xoay tròn hất tung mái nhà, mẹ rạp thân gầy ôm nhào đàn con sợ bão cuốn bay đi. Mẹ của những phiên chợ ngày áp Tết, dù nghèo đến mấy cũng để dành cho mỗi con vài đồng mua sách, mua tranh vẽ hay mấy con tò he khi theo mẹ đi chợ.
Khi còn là cô bé học lớp 5 trường làng, tôi đã thuộc làu bài thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu in trong sách giáo khoa. Và lúc nào tôi cũng hình dung bài thơ ấy viết về mẹ. Hơn 30 năm xa quê, nỗi nhớ đau đáu nhất trong tôi là mẹ.
Nhớ mẹ nhất là những ngày tháng Chạp. Trên đường đi công tác, gặp những người mẹ đang nhổ mạ cấy lúa, trong tôi lại bật lên câu thơ: “Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần”.
Tôi biết, đằng đẵng mấy chục năm ròng mẹ đã nhớ, đã lo cho đứa con đi lấy chồng xa. Vì đại dịch Covid-19, hơn năm rồi tôi chưa về bên mẹ. Và lòng mẹ vẫn ngóng theo con. Đêm đêm, cánh cò trong lời ru của mẹ năm nào vẫn chao nghiêng che chở cho tôi.
Những ngày Bắc Giang là tâm dịch Covid của cả nước, TP Bắc Giang và nhiều huyện bị phong toả, mẹ đã bồn chồn, lo lắng không yên. Nhiều đêm mẹ đã dậy thắp hương cầu nguyện, hệt như ngày anh trai tôi đang ở chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Tôi có một thói quen từ nhiều năm, cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi, khi nào trong lòng cần yên tĩnh, lại lững thững đạp xe dọc triền đê sông Thương, hướng xuôi về Kiếp Bạc. Cảm giác thật dễ chịu khi một mình phóng xa tầm mắt nhìn mây trôi cuối trời. Một mình suy ngẫm, nhớ nhung, tự ru khúc hát ru trong lòng.
Có lẽ không chỉ riêng tôi. Từ thuở xa xưa, khi con sông chưa gọi là Thương, nơi tôi đứng trên bờ đê này, bao lượt triệu người đã từng hát ru trong nụ cười và nước mắt. Không chỉ đơn thuần là lời hát ru cho những em bé ngủ say, mà còn là những lời thì thầm hát ru từ trái tim gửi nhớ, gửi thương cho người thân. Hát ru mong bình yên cho người đi và người ở lại.
Trong những tháng ngày qua, những khúc ca của tình yêu, của trái tim đã kết nối gần hai triệu người Bắc Giang đoàn kết, cùng cả nước chung sức, đồng lòng, đẩy lùi đại dịch Covid - 19. Trong lúc hiểm nguy nhất, từ tâm dịch, những trái tim tuổi trẻ vẫn ngân lên tiếng hát, làm rung động bao trái tim cả nước: “Anh sẽ về, nhưng không phải hôm nay”.
Chiều nay tôi lại đi trên đê sông Thương trong mơn man gió thổi. Lại gặp cỏ may. Gặp miên man nỗi nhớ những phiên chợ mùa xuân nơi quê hương. Chảy đi sông ơi…! Chảy đi... hỡi con sông tóc dài của thương, của nhớ! Hãy xuôi về Kiếp Bạc, chảy về Lục Đầu Giang, chảy về sông Bạch Đằng, sông Cấm quê hương. Cho ta gửi về mẹ khúc ru ca mùa xuân.
Tùy bút Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)