Một mùa xuân vẫy gọi
Công viên Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang). Ảnh: Dương Tiến Dũng |
Vậy là theo ý nguyện của anh bạn nhà báo công tác ở Hà Nội, dẫu là những ngày lạnh giá, tôi dẫn anh lên vùng cao Sơn Động - vùng đất anh bạn có nhiều kỷ niệm êm đềm. Đồng Cao là nơi chúng tôi tới đầu tiên. Bạn đứng ngẩn ngơ trước núi non và bản làng xa xa.
- Giời ơi! Tôi không thể nhận ra. Không thể nào tin được.
Phải, mảnh đất xa ngái của xã heo hút quả là đổi thay đến ngỡ ngàng. Con đường mòn ngoằn ngoèo dằng dặc vắt vẻo lưng chừng mấy quả núi thuở nào nay đã được mở rộng, đổ bê tông. Ô tô, xe máy lúc lúc lại vang động trên đường. Bà con đi lại ngược xuôi nói cười rộn rã. Thấp thoáng những bộ áo quần sặc sỡ của phụ nữ người Nùng, người Dao trong tốp người.
- Bắc Giang đổi thay quá. Vài ba năm tôi về đây và lần nào cũng ngạc nhiên. Tháng trước tôi theo đoàn khách ở Hà Nội mới chỉ tới Tây Yên Tử.
Tôi biết anh gắn bó với vùng quê này không phải chỉ vì đã đóng quân tại thị trấn An Châu (Sơn Động) mà còn bởi anh đã dẫn, đã thấm câu nói của một danh nhân, ấy là để biết một đất nước, một quốc gia thay đổi hãy đến một vùng đất nghèo. Phải thế chăng mà anh muốn tôi đưa lên huyện Sơn Động đây - một huyện rẻo cao với gần một nửa dân số là bà con dân tộc ít người.
Anh quay sang tôi, hồ hởi:
- Cậu nói rất đúng. Bắc Giang vươn tầm cao mới. Một Bắc Giang vững chắc từng bước đi lên, một Bắc Giang tự khẳng định mình.
“Bắc Giang đang vươn tới đỉnh cao”. Phải, đúng như anh nhận xét. Phấn đấu bao năm, Bắc Giang đã đứng thứ hai toàn quốc, sau Hải Phòng về tăng trưởng kinh tế với hơn mười sáu phần trăm. Một con số đã nói lên tất cả, dù chưa phải cái đích cuối cùng. Nghị lực. Ước vọng. Quyết chí. Sáng tạo. Đã bao mồ hôi đổ xuống cánh đồng, nhà máy, công trường.
Đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đó là đổi mới tư duy vốn đã ăn sâu bao thế hệ. Đó là quyết tâm đồng hành khởi nghiệp sáng tạo, bắt nhịp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đã có một chiến lược phát triển công nghiệp cho mười năm sau. Đã có chiến lược thu hút đầu tư với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Riêng về đầu tư, tỉnh tính đến nay đã đứng thứ sáu toàn quốc. Hãnh diện biết bao. Gần ba nghìn doanh nghiệp mới ra đời, đứng thứ mười sáu trên sáu ba tỉnh, thành cả nước.
Cái thời miếng ăn hằng ngày đau đáu, vật vã với người dân đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn trong ký ức. Từ chỗ ước ao ăn no, mặc ấm, nhiều người dân bây giờ đã có ăn ngon, mặc đẹp. Làng quê hôm nay đẹp như tranh. Những con đường trải bê tông trong làng, ngoài ngõ. Những con đường nhựa đen bóng ngược xuôi từ đồng bằng đến vùng núi, thậm chí vươn tới cả làng, bản. Nhà cao tầng - điều chỉ có trong thị tứ, thị trấn, thành phố - nay sừng sững ở khắp các làng quê. Nhiều nơi làng đã lên phố, phố làng.
Cả tỉnh có vô vàn làng nghề, làng đặc sản, làng công nghiệp, làng thủ công nghiệp, nhiều năm nay là làng khuyến học, làng ca hát, làng chèo, làng quan họ và đặc biệt là làng cử nhân, làng tiến sĩ. Đã có bao làng, xã nông thôn mới, những làng quê đáng sống. Nhiều đặc sản làng quê đã đi từ ngõ xóm bước ra thị trường rộng mở trong nước, ngoài nước: Chè Bản Ven, gà đồi Yên Thế, rượu Làng Vân, mỳ Chũ, vải thiều, cam, bưởi Lục Ngạn… Tên tuổi sản phẩm của Bắc Giang xuất hiện trên bản đồ thương trường quốc gia. Một Bắc Giang hội nhập trong và ngoài nước.
Một Bắc Giang chuyển động không ngừng. Vui gì hơn khi nông dân đã và đang học hỏi tri thức mới sản xuất tiên tiến. Nông nghiệp đang vươn tới công nghệ cao. Cả tỉnh nay chỉ còn hơn năm phần trăm số hộ nghèo. Làng quê bây giờ xuất hiện ngày càng nhiều những con người sản xuất tiên tiến, hiện đại; những con người làm ăn giỏi tầm cỡ quốc gia, những gia đình triệu phú. Điều ấy không chỉ có ở đô thị, đồng bằng mà ở cả vùng sâu, vùng xa, những bản làng hẻo lánh và ở nhiều bà con dân tộc ít người.
Anh bạn kể rằng đã đi trên con đường 293 - con đường tâm linh, con đường du lịch trước khi rủ tôi lên An Châu (Sơn Động). Đi trên con đường này, con đường từ thành phố Bắc Giang lên xã Tuấn Mậu (Sơn Động), anh mới cảm nhận hết sự đổi thay ngỡ ngàng của vùng đất Bắc Giang. Những cánh đồng trù phú. Những cánh rừng xanh thẳm. Những làng quê trù mật. Những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đậm bản sắc dân tộc. Đúng là trên con đường hoằng dương Phật pháp xa xưa anh càng hiểu thêm cuộc sống xưa nay, hiểu thêm triết lý sâu sắc của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Nông dân Tân Yên thu hoạch bưởi. Ảnh: Vương Lâm |
Tôi đưa anh trở lại thị trấn An Châu sầm uất, lên đèo Chinh - cái đèo mà theo truyền thuyết ông cha ta ngày xửa ngày xưa đặt trạm gác đánh chiêng (chinh) khi có giặc giã, cướp bóc, hỏa hoạn. Ngút trong tầm mắt chúng tôi là trập trùng rừng, miên man rừng, thăm thẳm rừng mà cây keo chiếm dày đặc… Có thể gọi Sơn Động là vương quốc keo.
Keo uốn lượn bên sông, suối, nhấp nhô trên đồi núi, ngạo nghễ chạy dọc ven đường như tấm lụa thiên thanh vắt giữa đất trời. Xa dưới kia, tít tắp dưới kia là những dãy phố, bản làng, những cụm công nghiệp, là Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, và cứ theo con đường tâm linh trở về nơi xuất phát sẽ là thành phố Bắc Giang thân thương. Chao ôi, nhớ quá câu thơ của cố nữ thi sĩ tài danh Xuân Quỳnh:
Hàng trăm năm đã nên bãi nên bồi
Hàng ngàn năm đã nên làng nên xóm
Hàng vạn năm đã nên thành phố lớn
Qua bao đời thành phố có tên tôi
Đứng trên đỉnh đèo nhìn khắp đất trời đón mùa xuân đến sao mà nao nức, rưng rưng đến lạ.
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân đến lâng lâng lạ thường
(Tố Hữu)
Xuân đang tới. Xuân đã tới. Một mùa xuân thiêng liêng: 90 năm Đảng ra đời, 130 năm ngày sinh Bác Hồ vô vàn kính yêu, 75 năm thành lập nhà nước công nông, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mùa xuân mới vẫy gọi chúng ta tiến bước tới đỉnh cao. Sẽ là hoạch định mới, ước vọng mới, khát khao mới.
Làm sao năm mới phải đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế lên hơn mười bảy phần trăm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn ba nghìn đô la, giảm hộ nghèo còn gần bốn phần trăm, có nhiều thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới… Làm sao giảm và xóa hết những tiêu cực, những gì đang ngáng trở xã hội vững chắc tiến lên.
Với khí phách mới, nghị lực mới, chúng sẽ làm cho năm mới mang diện mạo mới, ghi dấu ấn trên con đường vươn tới đỉnh cao.
Một mùa xuân vẫy gọi…
Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)